Làm sao để thị trường bất động sản thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”?

Thông tin về hàng trăm dự án bất động sản được gỡ vướng, tái khởi động trong thời gian qua giúp cho thị trường địa ốc ngày càng tốt lên. Dù chưa thể “vượt dốc” nhưng thị trường dần thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

Thị trường BĐS tháng sau tốt hơn tháng trước

Báo cáo “Đánh giá tiến trình phục hồi thị trường bất động sản Việt Nam” trong quý III/2023 và dự báo tình hình thị trường quý IV/2024 được VARS công bố, cho biết nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, đây là một điểm sáng cho nền kinh tế toàn cầu dưới bối cảnh suy yếu, biến động khó lường. 

Các chuyên gia đánh giá tích cực về thị trường địa ốc cuối năm (Nguồn: Thời báo Tài chính)

Nền kinh tế phục hồi cùng các dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở mọi phân khúc, từ căn hộ tới văn phòng cho thuê, nhà xưởng, BĐS bán lẻ… Nhất là khi nguồn cung đang bị siết chặt vì nhiều lý do, mặt bằng giá bán tăng trong thời gian tới là có thể xảy ra. 

Phó Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản VARS - Bà Phạm Thị Miền cho biết dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra thanh khoản trên thị trường BĐS đang dần được cải thiện, nhất là so với giai đoạn khó khăn cuối năm ngoái và các tháng đầu năm nay. 

Thị trường đã có những điểm sáng, rơi vào các địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, TP. HCM, Đà Nẵng… 

Đây là kết quả của sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và động thái quyết liệt từ Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành để tháo gỡ vướng mắc, giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững. Gần 20 động thái, văn bản dưới luật liên quan được phát đi từ Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, nội dung sát với thực tế của thị trường và doanh nghiệp. 

Theo thông tin của VARS, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch chỉ bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ và khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất. Nguyên do là thị trường vắng bóng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vì giá nhà liên tục tăng và chưa có tín hiệu hạ nhiệt. 

Thị trường vắng bóng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)

Hàng trăm dự án đã được tháo gỡ, tái khởi động đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia. Từ đó thị trường BĐS tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Dù thị trường chưa thể “vượt dốc” nhưng cũng phần nào thoát được nguy cơ “mất phanh”. 

Lượng giao dịch trên toàn thị trường đang tăng dần với nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân hơn. Trong quý II, thị trường có 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý I. Trong quý III, thị trường có gần 6.000 giao dịch, tăng gấp 1,5 lần so với quý II và hơn 2 lần quý I. 

Tín hiệu “vượt đáy” ở nhiều khu vực

Theo dự báo của các chuyên gia về thị trường BĐS những tháng cuối năm, một số phân khúc tại nhiều địa phương đã cho thấy tín hiệu “vượt đáy”. 

Tổng Giám đốc SGO Homes - Ông Lê Đình Chung phân tích, để xác định thị trường “vượt đáy” hay chưa, thì phải đưa ra các dấu hiệu về vượt “đáy”, chẳng hạn như không còn giảm giá sâu, dừng giảm giá hay giá bắt đầu tăng, tâm lý của nhà đầu tư phục hồi tích cực…

Ông Chung đánh giá: “Thị trường BĐS nhà ở tại các thành phố lớn đã có dấu hiệu vượt đáy, tập trung vào phân khúc chung cư nhà ở giá trị dưới 10 tỷ đồng tại khu lõi trung tâm. Phân khúc đất nền vẫn chưa tích cực nhưng đã có dấu hiệu vượt đáy ở loại hình đất nền đấu giá, khu vực xung quanh Hà Nội với giá quanh 2 tỷ đồng, tỷ lệ hấp thụ 70 - 80% với mức chiết khấu cao hơn khoảng 5% giá khởi điểm, có thể chuyển nhượng ngay với mức chênh lệch từ 30 - 50 triệu đồng/nền. Trong khi phân khúc BĐS, du lịch nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm”.  

Tổng Giám đốc SGO Homes - Ông Lê Đình Chung (Nguồn: Người Đưa tin)

Trưởng Ban nghiên cứu thị trường VARS - Ông Nguyễn Đình Cương cho rằng, nhằm đảm bảo chu kỳ tăng trưởng của các thị trường đã vượt “đáy” đạt kỳ vọng và thúc đẩy tiến trình phục hồi của các phân khúc, khu vực thì cần có cơ chế, chính sách cải thiện nguồn cung. Nguồn cung hiện nay còn đang bế tắc, mới có khoảng 10% dự án được tháo gỡ. 

Dù có nhiều sự “góp mặt” của một số “đại gia” trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Nhưng thị trường trong quý IV sẽ khó có sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn vì nguồn cung chưa thể “đột phá”, vì các dự án cần khoảng thời gian khá dài để triển khai và đủ điều kiện mở bán. Số lượng dự án NOXH sắp mở bán trong thời gian tới còn khá ít so với nhu cầu. 

Theo ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch VARS: “Tín hiệu phục hồi thị trường BĐS trong quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS sẽ có nhiều điểm sáng mới. Nhất là các khu vực còn nhiều dư địa phát triển, quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư và mặt bằng giá bán chưa cao”. 

Tổng Giám đốc Công ty CP G-Home - Ông Nguyễn Hoàng Nam cũng chia sẻ, kể cả khi đề án 1 triệu căn NOXH được thực thi tối đa thì nguồn cung loại hình này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi quá trình triển khai, xây dựng và mở bán vẫn còn nhiều vướng mắc, từ cơ chế pháp luật, quy định và điều kiện mua, tới các trường hợp hưởng chính sách. 

Ông Nam kiến nghị, chính sách về nhà ở phải hướng tới mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách NOXH cần điều chỉnh cho phù hợp, NOXH còn cần hướng tới người có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại.