Chủ đầu tư cố tình “om” quỹ bảo trì chung cư: Có thể bị xử lý hình sự

Thời gian qua, ở nhiều địa phương, không ít chủ đầu tư chây ì không bàn giao quỹ bảo trì 2% gây bức xúc trong dư luận. Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì, Ban quản trị chung cư có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa.

Hàng loạt chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì

Mới đây, UBND quận 8 (TP.HCM) đã có văn bản yêu cầu 14 chủ đầu tư các nhà chung cư trên địa bàn khẩn trương chuyển giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư theo đúng quy định về ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư về quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư.

Công ty nhà Vạn Thái bàn giao chưa đầy đủ phí bảo trì cho Ban quản trị các chung cư Topaz City. (Ảnh: Vietnamnet)

Cụ thể, các chung cư chưa bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì gồm: Chung cư Riverside Apartment do Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp ASC Sài Gòn làm chủ đầu tư; chung cư Mỹ Phúc của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng An Phúc, chung cư Diamond Riverside do Công ty CP 577 làm chủ đầu tư; chung cư The Avilla do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo làm chủ đầu tư; chung cư Trương Đình Hội do Công ty CP Lê Minh M.C Dịch vụ Sản phẩm Hùng Thanh làm chủ đầu tư; chung cư Topaz City khối A - B và Topaz Elite Phoenix 1 do Công ty Thương mại Dịch vụ Xây dựng Kinh doanh nhà Vạn Thái làm chủ đầu tư; chung cư Conic Riverside do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Lĩnh Phong (CONIC) làm chủ đầu tư; chung cư Tars Residence Song Ngọc do Công ty TNHH May Song Ngọc làm chủ đầu tư, …

Các chung cư chậm bàn giao phí bảo trì 2% gồm: Chung cư Thanh Nhựt (Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Kinh doanh nhà Thanh Nhựt); Chung cư Felisa Riverside (Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn); chung cư nhà ở xã hội Hưng (Công ty TNHH 276 Ngọc Long)…

UBND quận 8 cũng đề nghị Ban quản trị các chung cư khởi kiện chủ đầu tư tại TAND các cấp nếu chủ đầu tư dự án chây ì chậm bàn giao hoặc chưa bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2%. Còn chủ đầu tư chiếm dụng đến kinh phí bảo trì 2% thì xem xét lập hồ sơ chuyển công an để xử lý theo quy định.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến cuối quý I/2023 có 1.635 chung cư, trong đó có 1.059 chung cư phải thành lập Ban quản trị nhưng đến nay có 862 chung cư có ban quản trị.

Về kinh phí bảo trì, có 227 chung cư chưa bàn giao, 401 nhà chung cư đã bàn giao phí bảo trì 2%. Trong số đó, có 43 chung cư đang xảy ra tranh chấp kinh phí bảo trì do chủ đầu tư cố tình “om”, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định.

Theo UBND TP.HCM việc quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn còn xảy ra nhiều tranh chấp, do quy định pháp luật chưa quy định việc xác định rõ phần diện tích sử dụng chung và sở hữu chung trong hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án.

Chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự nếu cố tình “om” quỹ bảo trì

 Luật sư Phạm Tuấn Anh (đoàn Luật sư Bắc Ninh) cho hay, Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người mua chung cư phải đóng thêm 2% giá trị hợp đồng vào quỹ bảo trì. Số tiền phí 2% này sẽ được Ban quản trị chung cư sử dụng để bảo trì các hạng mục của tòa nhà bị hư hỏng trong quá trình vận hành chung cư. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế ở nhiều địa phương, không ít chủ đầu tư “om” quy bảo trì, không bàn giao cho Ban quản trị chung cư dẫn đến phát sinh tranh chấp kéo dài.

Chung cư Riverside Apartment (tên thương mại là Diamond Lotus Reverside) chưa bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho cư dân (Ảnh Tiền Phong).

Để khắc phục tình trạng các chủ đầu tư làm ăn gian dối, Chính phủ đã ra Nghị định 30/2021/NĐ-CP. Theo đó, kinh phí bảo trì 2% sẽ gửi vào tài khoản "đóng" do chủ đầu tư mở. “Khi chủ đầu tư mở tài khoản phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư, đồng thời phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về số tài khoản đã mở, kỳ hạn gửi tiền, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản… Trong hợp đồng mua bán căn hộ với cư dân phải thông tin về tài khoản đã mở theo quy định. Việc gửi nguồn kinh phí bảo trì vào một toàn khoản “đóng” này giúp ngăn chặn việc chủ đầu tư chiếm dụng nguồn kinh phí vào mục đích khác”, Luật sư Tuấn Anh nói.

Nghị định 30/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, trường hợp chủ đầu tư có tài khoản kinh doanh nhưng không còn đủ tiền hoặc không còn tiền để khấu trừ thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối với cơ quan Công an và cơ quan liên quan kiểm tra, xác định diện tích nhà, đất của chủ đầu tư tại dự án, nơi có nhà chung cư để tiến hành kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì.

“Liên quan đến tình trạng nhiều chủ đầu tư chây ỳ chậm hoặc chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư, theo Khoản 3 Điều 36 Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trường hợp không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định chủ đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 37 Nghị định 30/2021/NĐ-CP nêu rõ, trong quá trình thực hiện cưỡng chế để bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về hành vi của chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì chung cư, nếu chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt số tiền 2% phí bảo trì thì có thể bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015”, Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.