Kỳ lân “cất cánh” sau những thương vụ IPO thất bại

Giới chuyên gia cho rằng, IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) không hẳn là một giấc mơ xa vời, nếu startup biết được điểm mạnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu lâu dài.

 

IPO là một con đường đầy “chông gai”, đã không ít startup triệu đô bị “thổi bay” chỉ sau vài tháng tiến hành chào bán và niêm yết trên sàn chứng khoán. Thế nhưng sau đó, những doanh nghiệp này lại vực dậy mạnh mẽ và khẳng định vị thế vững chắc trên thương trường.

Điển hình như màn chào sàn thất bại của Becamex vào năm 2017. Trong thương vụ IPO này, Becamex chỉ có 158 nhà đầu tư đăng ký mua 18,9 triệu cổ phiếu (khoảng 6,1% khối lượng chào bán). Kết quả này đã khiến màn chào bán cổ phiếu lần đầu của Becamex trở thành phiên IPO gây thất vọng nhất trong năm.

Tiếp đến vào năm 2018, Becamex đã có thương vụ IPO thứ 2 trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, sự hiện diện của Becamex không được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, dù tại thời điểm đó, doanh nghiệp này có quy mô vốn lên tới 13.170 tỷ đồng và tài sản đất công nghiệp khủng lên tới 13.300 ha, chiếm 13,8 thị phần khu công nghiệp ở Việt Nam.

 

 

Sau 2 thương vụ IPO thất bại “ê chề”, Becamex thu về chỉ vỏn vẹn 7,7% tương đương gần 24 triệu cổ phiếu trong tổng số 311,2 triệu cổ phần được mang ra chào bán theo kế hoạch. Bên cạnh đó, công ty này chỉ niêm yết được 7,7 lượng cổ phần tại sàn UPCoM.

Thế nhưng ngay sau đó, Becamex đã có một cú “gỡ gạc” khá ngoạn mục khi đạt được thỏa thuận lập liên doanh trị giá 200 triệu USD với Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Warburg Pincus. Về lâu dài, liên doanh này còn hậu thuẫn cho mục tiêu phát triển chuỗi logistic và bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam, đây là mục tiêu phát triển mà Becamex đang có lợi thế lớn.

Cũng trong năm 2018, Becamex đã hoàn thành việc niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Điều này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Becamex IDC. Qua đó, tập đoàn sẽ nhận được thêm nhiều sự quan tâm của công chúng đầu tư, giúp công ty có nhiều thuận lợi hơn trong việc huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh.

Hay như câu chuyện của Grab trong thương vụ IPO trên sàn Nasdaq của Mỹ vào năm 2021. Ở thời điểm đó, giới chuyên gia kỳ vọng Grab sẽ như “ngọn hải đăng” soi đường cho startup Đông Nam Á đang mong muốn có hành động tương tự.

Thế nhưng chưa đầy một năm, ánh sáng của “ngọn hải đăng” này đã mờ dần khi Grab đã mất 60% giá trị kể từ khi niêm yết, chỉ còn khoảng 13 tỷ USD, bằng một nửa so với đối thủ của nó là GoTo (công ty mẹ của ứng dụng gọi xe Gojek). Điều này cũng khiến doanh thu trong quý IV/2021 của Grab chỉ đạt 22 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

Dù giá cổ phiếu Grab lao dốc sau thương vụ IPO “đình đám” ở Mỹ nhưng các lãnh đạo chủ chốt khác của hãng xe công nghệ này vẫn chứng kiến tài sản tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, tập đoàn SoftBank Group Corp của Nhật Bản đã rót 3 tỷ USD vào Grab năm 2014. Số cổ phần 18,6% của tập đoàn ở thời điểm đó trị giá 6,1 tỷ USD, cao vượt trội cao với Uber, Technologies Inc và Didi Chuxing Technology Co.

Chính điều này đã giúp công việc kinh doanh của Grab vẫn tiến triển tốt. Đến thời điểm hiện tại, hãng gọi xe công nghệ này đã khẳng định được chỗ đứng uy tín trong khu vực thông qua những dịch vụ mang đến lợi ích cho người dùng và xã hội.

 

Sau khi đạt đến mức kỳ lân (startup tỷ đô la), nhiều công ty nhanh chóng khăn gói chuẩn bị cho con đường IPO. Đây là một con đường rộng rãi để startup có những bước ngoặt mới trong quá trình phát triển.

Theo giới chuyên gia, hiện nay quy định niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp phải có lãi trong 2 năm, có vốn tối thiểu là 120 tỷ đồng đối với sàn HoSE, còn HNX là 30 tỷ đồng. Đây là những vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi vì hầu hết đều đang thua lỗ, gặp khó khăn về dòng tiền.

Bên cạnh đó, khi IPO các startup phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu để được nhà đầu tư chú ý, bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá, đột biến mới xuống tiền. Nếu không làm được điều này, việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ mang đến tác dụng ngược, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh doanh nghiệp.

 

Đặc biệt, con đường IPO của startup Việt càng khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu chưa có nhiều khởi sắc. Trong nửa đầu năm 2023, giá trị các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) và các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên toàn cầu sụt giảm gần 1.000 tỷ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Sức ép lạm phát, các hạn chế tài chính do lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị đã làm suy sụp các hoạt động đầu tư và huy động vốn khắp các khu vực và ngành công nghiệp.

Là người dẫn đầu, giúp quá trình IPO của doanh nghiệp thành công vang dội, ông Nguyễn Ảnh Nhược Tống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 cho rằng, với các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ, IPO hay lên sàn là câu chuyện khó, không phải một sớm, một chiều có thể làm được.

Ông Tống chia sẻ, ông đã có 12 năm chuẩn bị cho việc trở thành công ty đại chúng và có định hướng ngay từ ngày đầu thành lập, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Và khi doanh nghiệp đã lên sàn được thì gặp rất nhiều thách thức, từ việc không thể hiện cảm xúc cá nhân công khai đến phải trả lời cổ đông về các vấn đề.

Phân tích rõ hơn về những thách thức khi các doanh nghiệp Việt tham gia IPO, luật sư Lê Văn Tiến - Công ty luật TNHH Vietthink cho biết, thứ nhất về mô hình quản lý của doanh nghiệp tham gia IPO sẽ đòi hỏi khắt khe về tính chuẩn mực và minh bạch hơn so với các công ty chưa đại chúng.

Thứ hai, do yêu cầu đảm bảo tính minh bạch nên việc triệu tập và tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của công ty đại chúng thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ được pháp luật quy định. Đồng thời, các công ty đã niêm yết trên sàn sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên quyền chủ động sẽ bị hạn chế hơn.

Thứ ba, các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ và bất thường. Công ty phải lập website và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin qua website, thiết lập hệ thống và thực hiện công bố thông tin qua hệ thống công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

“IPO là một cú hích để các công ty có thực lực tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, IPO không phải là “chìa khóa vạn năng” cho mọi doanh nghiệp, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn, tiềm năng phát triển tốt và làm ăn nghiêm chỉnh”, vị luật sư này nhấn mạnh.

 

IPO là một cơ hội phát triển nhưng còn là một thách thức để đạt được mục tiêu, startup phải trải qua một hành trình tương đối “chông gai”. Trên thực tế đã có nhiều startup tỷ đô bị “thổi bay” sau những thương vụ chào bán cổ phiếu thất bại, khiến nhiều startup đang chuẩn bị IPO thấp thỏm lo sợ.

Điển hình như câu chuyện IPO của Sea (công ty mẹ của Shopee) vào năm 2021. Sau khi lên sàn “chứng khoán”, giá cổ phiếu của Sea đã giảm gần 80% so với đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái, tương ứng 17 tỷ USD bị thổi bay. Kỳ lân giá trị nhất Đông Nam Á còn phải gánh chịu một cú sốc khi các nhà đầu tư giảm sở hữu cổ phiếu của Sea trong bối cảnh nền tảng thương mại điện tử Shopee liên tục thua lỗ.

Hay như câu chuyện của Yeah1, cổ phiếu của công ty này từng là ngôi sao sáng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu của công ty này liên tục sụt giảm sau một loạt lùm xùm liên quan đến những chiêu trò đẩy giá, lắt léo trong phi vụ chuyển nhượng giữa các cổ đông.

 

Ông Lê Hoài Ân - Trưởng phòng phân tích Merlin Capital cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần xác định mục tiêu IPO lên sàn là huy động vốn hay là gì. Nếu đang tiếp cận được vốn ngân hàng thì cứ tiếp tục, thay vì lên sàn.

Bên cạnh đó, ông Ân còn cho biết, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phục thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của doanh nghiệp. Muốn IPO thì doanh nghiệp phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm.

Và để có được nguồn vốn đáng kể, doanh nghiệp phải chịu các rủi ro nếu như có sai sót, người đứng đầu có thể mất quyền điều hành và kiểm soát kinh doanh. Đặc biệt là phải thực hiện nghĩa vụ công khai minh bạch mọi thông tin, hoạt động tài chính.

Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, cũng cho rằng, doanh nghiệp nên thực hiện IPO chỉ khi chuẩn bị chắc chắn để có tiềm lực tốt, lợi nhuận tốt, sẵn sàng đối mặt với những căng thẳng, áp lực. Còn không, doanh nghiệp nên hoạt động như hiện tại hoặc lựa chọn con đường kêu gọi vốn ở các quỹ đầu tư hoặc kết hợp với các doanh nghiệp lớn cùng phát triển.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Hồng Mai - Tổng Giám đốc Công ty tài chính Tâm Anh cho rằng, muốn IPO thì các doanh nghiệp phải sẵn sàng minh bạch các thông tin về công nghệ, nhân sự, báo cáo tài chính. Theo bà Mai, khi IPO, những nhân sự chủ chốt, công nghệ, điểm yếu tài chính có thể bị lộ và đây là điểm yếu để các đối thủ khai thác.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định được khả năng tăng giá cổ phiếu. Đây là điều kiện để nhà đầu tư chú ý bởi vì họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá mới đầu tư, hơn là trông chờ vào việc chia cổ tức.

Theo giới chuyên gia, hoạt động IPO Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt vào nửa cuối năm 2023, những điều kiện thuận lợi sẽ xuất hiện và giúp thị trường IPO trong nước lấy lại động lực lớn hơn.

Và để thị trường IPO sôi động trở lại thì cần có một số điều kiện tiên quyết như tâm lý tích cực trên thị trường cổ phiếu, lạm phát suy yếu và chấm dứt chính sách tăng lãi suất, căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt.

 

Bảo Trâm
Thành Trung