Thách thức IPO trên “sân nhà” của các startup Việt

Theo chuyên gia Ngô Lê Đình Quốc Chương, đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cách thức làm việc cũng khá manh mún nên con đường tiến tới IPO sẽ rất khó khăn.

Ở các nước phát triển như Singapore, Mỹ, Anh, những công ty khởi nghiệp (startup) dù kinh doanh thua lỗ nặng nhưng vẫn có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, đối với các startup Việt Nam, IPO như một giấc mơ xa vời, khó có thể chạm đến.

Theo số liệu từ Deloitte, trong năm 2022, Việt Nam có 8 thương vụ IPO thành công, ít hơn tới 7 lần so với Thái Lan - thị trường đạt thương vụ IPO thành công cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Gần đây nhất, số liệu từ Deloitte cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO thành công, huy động được 7,11 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với khoảng 5,4 tỷ USD mà Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã huy động được.

Điều đáng nói là những thương vụ IPO thành công từ trước đến nay hầu hết đều là những doanh nghiệp kinh doanh lâu năm, có tiềm lực tài chính. Còn các startup Việt gần như vắng bóng trong cuộc chơi này.

Để có thể hiểu rõ về những thách thức khi tiến hành IPO trên "sân nhà" của các startup Việt, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Ngô Lê Đình Quốc Chương, người có nhiều kinh nghiệm làm cố vấn tài chính cho nhiều startup Việt.

Chuyên gia tài chính Ngô Lê Đình Quốc Chương

Chuyên gia tài chính Ngô Lê Đình Quốc Chương nhận định, con đường IPO của doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC

Từng có nhiều thời gian nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài, ông có so sánh gì về thị trường IPO ở Việt Nam với các nước phát triển khác, đơn cử như Singapore?

Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi có rất nhiều tiềm năng cho các hoạt động kinh doanh và huy động vốn. Tại Việt Nam, cơ hội để các doanh nghiệp huy động vốn và IPO cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại quy mô nhỏ, mức định giá và số vốn huy động không nhiều. Đơn cử, trong hơn 10 tháng của năm 2023, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ IPO huy động được 7,11 triệu USD.

Số lượng IPO ở Việt Nam thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt và niêm yết đang bị thắt chặt. Đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023.

Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022 đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để thực hiện.

Nếu so sánh thị trường IPO tại Việt Nam với Singapore là trung tâm tài chính của Châu Á thì đây là một so sánh khá khập khiễng. Ngoài số lượng doanh nghiệp nội địa, Singapore còn thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở và thị trường IPO tại đây với quy mô vốn lớn hơn Việt Nam rất nhiều lần.

Không giống như các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ở các nước phát triển khác, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết trên sàn chứng khoán của các startup Việt như một giấc mơ xa vời. Theo ông nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Theo tôi, Việt Nam là một đất nước trẻ với nền kinh tế mới, được sự khuyến khích, động viên nhiều từ phía các cơ quan ban ngành, Nhà nước để làm động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, tất cả sự động viên, thúc đẩy phần lớn là mang tính hình thức, chưa xây dựng được các cơ chế thực sự có tính thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bài bản để có hướng đi đến IPO.

Đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cách thức làm việc cũng khá manh mún, chưa được đào tạo và xây dựng doanh nghiệp bài bản. Để IPO thì định hướng của doanh nghiệp phải được xác định ngay từ đầu và được tổ chức, cũng như định hướng từ các tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải tự lực cánh sinh rất nhiều. Cho nên, đây là những lý do IPO là một giấc mơ xa vời đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong quá trình khởi nghiệp.

Từng làm cố vấn tài chính cho nhiều doanh nghiệp Việt, ông cảm nhận ra sao về mức độ hấp dẫn của IPO đối với các doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

IPO là một giấc mơ và nó rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Làm thế nào để chạm tới "giấc mơ ấy" là một bài toán lớn cho các doanh nghiệp Việt. Hiện tại tôi vẫn đang hướng dẫn nhiều startup trên hành trình xây dựng mô hình kinh doanh, làm bài toán tài chính và gọi vốn ở các vòng Co-Founder, Angel Investor và Các quỹ đầu tư. Để tiến tới IPO, các doanh nghiệp cần chứng minh năng lực vận hành, khả năng tăng trưởng để thu hút các quỹ đầu tư và các nhà tư vấn trước khi tham gia cuộc chơi IPO. Tôi luôn nhắc nhở các Start Up, hãy cứ sống khoẻ trước bằng doanh thu trước khi IPO.

Hơn 1 năm nay, thị trường chứng khoán trong nước liên tục biến động. Niềm tin của các nhà đầu tư với thị trường này ngày càng nhạt nhòa. Điều này đang ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch IPO của các doanh nghiệp, thưa ông?

Trong đoạn này, nếu nói về IPO hay gọi vốn thì các nhà sáng lập doanh nghiệp thường gọi là mùa Đông gọi vốn. Như tôi chia sẻ lúc đầu, số lượng doanh nghiệp IPO thành công ở Việt Nam là rất thấp, chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều này không đại diện cho phần lớn các doanh nghiệp. Nếu trả lời, tôi sẽ nói về tình hình kêu gọi vốn của các nhà sáng lập, đây là giai đoạn khó nhưng nó sẽ sàng lọc được những Start Up nào có khả năng thích nghi và vượt qua giai đoạn này, sẽ là sự lựa chọn sáng suốt cho nhà đầu tư, qua giai đoạn khó khăn sẽ đến lúc các nhà đầu tư gặt hái thành quả.

Cơ hội nào cho các startup Việt đang có ý định IPO trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

IPO là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, tuy nhiên, cần phải xem xét nguồn lực cũng như chi phí để tiến hành IPO sẽ như thế nào, cần nghiên cứu kỹ quy trình chuẩn bị hồ sơ, các yêu cầu. Tất cả các hoạt động phải dựa vào thực lực của doanh nghiệp, tránh việc chạy theo IPO một cách mù quáng sẽ tạo nên những áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Các startup Việt hãy bắt đầu bằng việc kinh doanh bài bản, xây dựng hệ thống tài chính, kế toán minh bạch ngay từ đầu, để những sự chuẩn bị trở thành nền tảng cho kế hoạch gọi vốn sau này.

Vậy làm sao để các doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội này, thưa ông?

Theo tôi, các doanh nghiệp cứ phát triển một cách tự nhiên, kêu gọi nhiều vòng vốn trước khi IPO. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lớn lên từng bước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các đối tác tư vấn IPO chuyên nghiệp để đồng hành. Vai trò của đơn vị tư vấn chính là giúp cho doanh nghiệp nhìn về một bức tranh lớn với một chiến lược dài hơi cụ thể về IPO.

Đối với một startup, tiềm lực tài chính nhỏ, ông có lời khuyên gì cho họ trước khi tham gia vào quá trình IPO?

IPO là cuộc chơi lớn không dành cho các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính nhỏ, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bước vào sân chơi này.

Ông có dự báo gì diễn biến thị trường IPO Việt Nam trong 1-2 năm tới?

Tôi lạc quan về sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới, khi mà các doanh nghiệp FDI liên tục đầu tư vào Việt Nam. Đây là nguồn lực rất lớn để các doanh nghiệp Việt tăng trưởng quy mô, học hỏi kinh nghiệm, chuyên nghiệp hơn để đáp ứng làm 1 mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng. Và các doanh nghiệp sẽ chuyên nghiệp hơn để hướng tới IPO. Tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm các thương vụ IPO với giá trị lớn hơn tại Việt Nam.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.