Những điều cấm kị khi dọn bàn thờ, chuyên gia phong thủy khuyên nên tránh

Theo chuyên gia phong thủy Thiện Vũ Long, lau dọn bàn thờ tổ tiên ngày Tết là truyền thống đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tuy vậy, cần phải lưu ý sáu điều cấm kị khi dọn bàn thờ ngày Tết.

Tết đến xuân về nhà nhà nô nức rộn ràng, người người tấp nập chuẩn bị cho việc chào đón năm mới sao cho thật ý nghĩa. Nhất là đối với người làm ăn xa quê lại càng chú trọng đến ngày tết, bởi đó là nét đẹp văn hóa truyền thống ông cha ta đã lưu giữ hàng ngàn năm nay.

Đó không chỉ là phong tục tập quán mà còn là tín ngưỡng thờ cúng gia tiên, trong đó có rất nhiều việc cần làm như việc họ: Lễ giỗ tổ, chạp họ, tảo mộ mời các cụ về ăn tết cùng con cháu, sửa sang từ đường mồ mả gia tiên.

Việc nhà cũng vậy, nhiều gia đình có điều kiện thì sửa sang nhà cửa, thay mới ban thờ hoặc từ ngày 23 đến 29 tháng chạp dọn dẹp nhà cửa, lau dọn ban thờ gia tiên, trang trí ban thờ, phòng khách sao cho sạch sẽ, trưng bày hoa quả bánh kẹo, cây mai, cành đào, cây quất giúp cho không khí ngày tết càng thêm trang trọng, ý nghĩa của tết đoàn viên tết sum vầy.

Dọn bàn thờ ngày Tết là nét đẹp truyền thống của dân tộc 

Ý nghĩa của việc lau dọn ban thờ gia tiên: Là nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của con người Việt Nam được lưu giữ từ các đời Hùng Vương đến nay. Lưu giữ những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, giúp con cháu đời đời nhớ ơn nguồn cội. Việc làm này còn giúp con cháu hướng về gia tiên dòng tộc, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Giúp anh em đoàn kết, hỏi han sức khỏe động viên lẫn nhau.

Tuy vậy, việc lau dọn ban thờ gia tiên đã có từ lâu, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa cũng như những điều cấm kỵ khi làm việc này.

Sau đây là vài điều chia sẻ của chuyên gia phong thủy Thiện Vũ Long về những điều cấm kỵ khi thực hiện việc lau dọn ban thờ gia tiên. 

Lưu ý thứ nhất: Tập tục cổ xưa thì từ ngày 23 đến 29 tháng chạp là thời điểm nhà nhà dừng việc làm ngoài xã hội cũng như có kế hoạch cho việc đón tết cổ truyền. Nên trong nhà thường tránh việc tình cảm nam nữ, giữ thân thể sạch sẽ, trai giới. Người cao tuổi hoặc trụ cột trong gia đình sẽ gánh vác việc lau dọn ban thờ gia tiên.

Chuyên gia phong thủy Thiện Vũ Long (Phạm Ngọc Linh)

Lưu ý thứ hai: Nghi lễ thắp hương báo cáo gia tiên, lễ gồm trầu cau, hương hoa, bánh trái, muối gạo nước. Sau khi khấn xong gia chủ hoặc người có uy vọng sẽ xin được lau dọn ban thờ với hành động trang nghiêm và thận trọng. Nếu trong quá trình diễn ra mà xảy ra việc không hay như tâm tính xáo động, nóng nảy hay trong nhà có sự bất hòa đều là việc cấm kỵ. Hay việc đổ vỡ, rơi đồ trên ban thờ cũng vậy, điều này khiến cho gia đạo dễ bất an, xáo trộn. Ngoài ra thời xưa rất chú trọng quá trình lau dọn diễn ra một cách trang trọng, chú ý lễ nghi và tâm tính.

Lưu ý thứ ba: Bao sái rút chân nhang và thay mới, là việc nhiều gia đình thời nay hay làm, điều đó không vi phạm gì, nhưng có những quy tắc nhất định các gia đình phải ghi nhớ để tránh phạm vào điều cấm kỵ trong việc liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng gia tiên: Nhiều gia đình hay vứt bỏ bát hương hoặc chân nhang vào thùng rác hay bãi rác công cộng mà không hề biết rằng hành động đó là điều tối kỵ. Bởi vậy những đồ vật thuộc về ban thờ gia tiên nên thận trọng, dù là đồ bỏ đi cũng vậy, nên có những phương thức xử lý sao cho an yên về tinh thần, cũng như tôn trọng anh linh những người đã khuất.

Lưu ý thứ tư: Cấm kỵ về đạo đức và lối sống: Nhiều người trong số chúng ta coi thường tổ huấn, gia huấn. Coi thường văn hóa cổ xưa, mà không biết rằng có những việc trong tâm thức, tiềm thức khơi dậy huyết mạch tương liên. Ý nghĩa của việc làm lau dọn ban thờ là kết quả của việc giáo dưỡng nhân cách, nhân phẩm của một con người. Nét đẹp văn hóa đó có thể đánh giá một con người, một gia đình cũng như những mối quan hệ xã hội của họ có tốt hay không. Điều đó cho thấy người sống có đạo đức có nhân cách tốt thì việc gia đạo cũng trọn vẹn, việc nhớ ơn tổ tiên cũng luôn là điều mà tâm thức họ luôn nhắc nhở và đau đáu. Bởi việc làm này không liên quan gì đến vấn đề tin hay không tín, mà đó là tâm tư tình cảm nguyện vọng của con cháu tưởng nhớ đến những người đã khuất, gia đình, gia tiên, tiền tổ.

Lưu ý thứ năm: Tĩnh tâm và sửa lỗi: Trong quá trình lau dọn ban thờ gia tiên, tránh ý niệm xấu, ý niệm không tốt. Điều này rất tối kỵ, không tốt cho gia đạo cũng như tương lai gần dễ nhận lấy nhân quả xấu. Hành trình tĩnh tâm và sửa lỗi, đây là lúc mà chúng ta có nhiều thời gian để tĩnh tâm và tổng kết một năm tốt xấu, những việc làm được và chưa được từ đó rút ra bài học và đúc kết kinh nghiệm cũng như sửa lỗi mà chúng ta phạm sai lầm.

Lưu ý thứ sáu: Nên sắp xếp ban thờ sao cho trang trọng và có bố cục rõ ràng về ngôi thứ, quân thần t sứ. Nếu trên ban thờ, bố cục sắp xếp rối loạn, ngôi thứ không đúng, tả hữu không quân bình thì đó là dấu hiệu không tốt cho việc trong dòng họ, gia đình có nhiều mối quan hệ bất hòa và mâu thuẫn. Ngoài ra việc sắp đặt ban thờ quá nhiều thứ hỗn loạn cũng như sai về quy cách thì việc ngoài xã hội cũng vậy, vận hội không thuận, danh tài trắc trở, gia đạo không an.

Tóm lại: Trong quá trình lau dọn ban thờ cần đúc kết lại các hành vi sau để tránh phạm vào những điều tối kỵ:

- Tinh thần cần an tĩnh.

- Thân thể cần sạch sẽ.

- Gia đạo cần hòa hợp.

- Hành lễ cần trang nghiêm.

- Nước và giẻ lau cần sạch sẽ.

- Bố trí trên ban thờ cần rõ ràng, gọn gàng và đúng vị trí.