Hà Nội: Một đô thị hiện đại sẽ được hình thành trên 3 nhà máy di dời

Hà Nội đã thông tin về kế hoạch di dời cụm nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long ra vùng ngoại thành. Sau đó, khu đất này sẽ được xây dựng thành khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
di-doi-4-1709883354.jpg
Các nhà máy, công ty sau khi di dời thì khu đất sẽ được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại

Vài chục năm trước, chỉ cần nói đến khu “cao - xà - lá” là từ người già đến trẻ nhỏ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) đều biết. “Cao xà lá” là tên gọi chung của cụm 3 nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long. Thời điểm phát triển nhất của 3 nhà máy này, người dân quanh khu vực phải chịu đựng mùi hương phát ra tại đây cả ngày lẫn đêm.

Cụm nhà máy này nằm trên khu "đất vàng" khi gần Ngã Tư Sở và Đường Vành đai 3. Mới đây, Hà Nội đã thông tin về kế hoạch di dời cụm nhà máy này ra vùng ngoại thành. Sau đó, khu đất này sẽ được xây dựng thành khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.

di-doi-1709883273.jpg
 

Theo đó, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (số 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) gồm có hệ thống nhà kho, khu để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm trên diện tích hơn 64.000m2 sẽ thực hiện di dời ra Khu công nghiệp Quốc Oai - Thạch Thất (Hà Nội).

Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (số 231 Nguyễn Trãi) có diện tích khoảng 62.000m2, chuyên sản xuất các loại săm lốp như máy bay, ôtô, xe máy, xe đạp, xe đặc chủng và các sản phẩm cao su kỹ thuật. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất của công ty sẽ di dời về Khu công nghiệp Châu Sơn (TP. Phủ Lý, Hà Nam).

di-doi-1-1709883273.jpg
 

Tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Giầy Thượng Đình cũng thuộc diện di dời. Khu đất của Công ty Giầy Thượng Đình (277 Nguyễn Trãi) cũng nằm trên “khu đất vàng” khi cạnh đường Vành Đai 3, có diện tích 36.105m2. Những năm gần đây, việc kinh doanh của Công ty Giầy Thượng Đình không hiệu quả do các chi phí tăng, trong khi sản lượng giảm sút. Theo phương án của UBND thành phố Hà Nội, sau khi di dời 2 nhà máy này thì sẽ xây dựng các khu đô thị, dự kiến quy mô dân số 48.000 người.

Năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố. Cụ thể, UBND thành phố đề xuất di dời 10 cơ sở nhà đất. Ngoài các nhà máy đã nêu trên, quận Hoàn Kiếm có 3 cơ sở gồm: Công ty In báo Nhân dân (số 15 Hàng Tre, diện tích hơn 1.500 m2), tòa soạn Báo Lao Động (số 51 Hàng Bồ, diện tích 359 m2), Công ty TNHH MTV in báo Hà Nội mới (số 35 Nhà Chung, diện tích hơn 1.800 m2).

di-doi-2-1709883273.jpg
Công ty Giầy Thượng Đình cũng nẳm trong danh sách di dời

Quận Ba Đình có 1 cơ sở là nhà máy bia Hà Nội (Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội) tại 183 Hoàng Hoa Thám với diện tích hơn 52.000 m2. Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, nhà ở, bãi đỗ xe, cây xanh.

Quận Long Biên có 2 cơ sở là Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội (số 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 200 m2) và Tổng kho xăng dầu Đức Giang (số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000 m2). Theo quy hoạch, khu đất sẽ có chức năng hỗn hợp gồm nhóm nhà ở mới, ất cây xanh, bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.

Quận Đống Đa có 1 cơ sở là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800 m2).

Quận Bắc Từ Liêm có 1 cơ sở là Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000 m2). Theo quy hoạch, vị trí này sẽ là đất cơ quan, viện nghiên cứu.