Vụ chung cư mini nứt cột ở Hà Nội: Ngang nhiên xây vượt 3 tầng, bị khoanh vùng nguy hiểm

Chung cư mini bị nứt cột ở số 22B, ngách 236/17 Khương Đình (Hạ Đình, Thanh Xuân) xây vượt 3 tầng so với giấy phép được cấp và vừa bị UBND TP Hà Nội yêu cầu ngừng sử dụng, khoanh vùng nguy hiểm.

Khoanh vùng nguy hiểm

Liên quan đến vụ chung cư mini (CCMN) số 22B, ngách 236/17 Khương Đình nứt cột khiến toàn bộ cư dân phải di dời khẩn cấp, UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND quận Thanh Xuân cho ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn; hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời.

Quận Thanh Xuân phải quản lý hiện trường, theo dõi, quan trắc nhằm phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời những tình huống bất lợi có thể gây mất an toàn cho công trình và các công trình lân cận; rà soát lại hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý cấp phép và thi công xây dựng công trình.

UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND quận Thanh Xuân cho ngừng sử dụng công trình, khoanh vùng nguy hiểm đối với CCMN bị nứt cột ở số 22B, ngách 236/17 Khương Đình

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu xác định rõ nguyên nhân sự cố, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình này; sau khi khắc phục sự cố kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân sinh sống, cơ quan chủ trì giải quyết sự cố quyết định việc đưa công trình vào sử dụng.

UBND quận Thanh Xuân có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND thành phố các nội dung vượt thẩm quyền.

Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ địa bàn thành phố về loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; đánh giá phân tích kỹ tính chất pháp lý, việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, xử lý dứt điểm các công trình có vi phạm trật tự xây dựng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên, tham mưu, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo theo thẩm quyền, quy định.

Ngang nhiên xây vượt 3 tầng

Theo tìm hiểu của PV, tòa CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Đình được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2016. Trong đó, chủ đầu tư được xây công trình cao 5 tầng, lửng và tum. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa nhà này cao tới 8 tầng, vượt 3 tầng so với giấy phép được cấp.

Bên cạnh đó, đầu tháng 2 vừa qua (gần cùng thời điểm tòa nhà bị nứt cột), Công an quận Thanh Xuân đã công khai danh sách 90 công trình nhà ở nhiều căn hộ (CCMN) còn tồn tại, vi phạm về PCCC. Đáng chú ý, trong danh sách này có nhiều công trình đứng tên Nghiêm Quang Minh - chủ CCMN bị cháy ở phố Khương Hạ khiến 56 người tử vong.

Cũng tại đây, Công an quận Thanh Xuân chỉ ra, CCMN ở số 22B ngách 236/17 Khương Đình do ông Nghiêm Mạnh Tiến làm chủ đầu tư có các tồn tại về PCCC như: Bổ sung giải pháp ngăn cháy lan tại trục kĩ thuật theo chiều dọc, chiều ngang tại các tầng bằng vật liệu không cháy (vữa, bê tông,…);

Tại buổi làm việc với cư dân mới nhất, ông Nguyễn Hồng Phong - Trưởng ban Quản lý tòa CCMN cho biết, hai cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực. Ngoài ra, bốn cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng.

Mức chi phí sửa chữa sự cố nứt cột CCMN 22B, ngách 236/17 Khương Hạ (Hạ Đình, Thanh Xuân) dự kiến có thể lên đến 4-5 tỷ đồng

Cũng theo Trưởng ban Quản lý tòa chung cư, so với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết một thanh dầm ra thang máy. Đồng thời, tiết diện của cột chống nhà nhỏ hơn so với bản thiết kế. Mức chi phí sửa chữa sự cố dự kiến có thể lên đến 4-5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Phong cho biết, quá trình gia cố phần chịu lực của tòa CCMN cũng phải mất nhiều tháng mới hoàn thành.

Trước đó, dịp Giáp Tết Nguyên đán 2024, cư dân CCMN số 22B trong ngách 236/17 Khương Đình phát hiện hai cột bê tông cốt thép chống đỡ tòa nhà ở tầng 1 xuất hiện những khe nứt lớn ngang, dọc từ chân cột lên đến trần nhà.

Tuy lo lắng nhưng 57 hộ dân vẫn sinh sống bình thường vì khi ấy là Tết Nguyên đán 2024, không biết chuyển đi đâu. Khi nhận thông tin về dấu hiệu công trình nhà ở số 22B, lãnh đạo quận Thanh Xuân, UBND phường Hạ Đình đã cắt cử lực lượng chuyên môn xuống hiện trường kiểm tra, khảo sát hiện trạng. Sau đó, Ban quản lý CCMN đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành gia cố tạm thời tầng 1 để chống đỡ cho tòa nhà.

Tiếp đó, UBND quận Thanh Xuân có văn bản khuyến cáo đề nghị người dân trong tòa nhà thực hiện di chuyển để đảm bảo an toàn và tìm phương án khắc phục. Đêm 23/2 đến ngày 24/2, các hộ dân đã khẩn cấp di dời ra khỏi tòa nhà.