TS Nguyễn Quốc Hùng: Doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng không thể giảm chuẩn cho vay

Giảm điều kiện tín dụng là điều không thể với ngân hàng bởi điều này được quy định trong Luật và phải được Quốc hội thông qua.

Tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, về phía Ngân hàng, giảm điều kiện tín dụng là điều không thể bởi điều này được quy định trong Luật. Luật không nằm trong phạm vi cho phép của ngành ngân hàng mà phải Quốc hội thông qua.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” tổ chức sáng 19/7/2023. Ảnh Diễn đàn Doanh nghiệp

TS. Nguyễn Quốc Hùng thông tin, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế. Chúng ta trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, nhưng thời kì COVID-19 cả thế giới suy thoái, chúng ta vẫn tăng trưởng và nay thế giới vẫn đang suy thoái nhưng chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng, điều này chúng ta cần xem xét lại.

"Khi COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp một cách khủng khiếp. Khi bắt đầu hết dịch, thế giới khởi sắc thì trong thời gian ngắn lại trở nên suy thoái. Như vậy nguồn lực doanh nghiệp không còn nữa, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, tất cả các mặt hàng sản xuất đều giảm, thiếu công ăn việc làm. Đây là tình trạng chung trên cả thế giới. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp. Ngành ngân hàng rất chia sẻ và đồng cảm với các doanh nghiệp", TS Nguyễn Quốc Hùng thông tin. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 4,7%, thấp nhất trong 13 năm qua. Trong khi đó, lãi suất vẫn yêu cầu phải giảm. Trên thế giới, FED liên tục tăng lãi suất nhưng trong nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất. "Vừa qua Hiệp hội Ngân hàng cũng tiếp tục kêu gọi các Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp có phải vấn đề cốt lõi không? Bởi giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp đạt đủ điều kiện để vay vốn gần như không có. Lý do bởi, doanh nghiệp đã hết nguồn lực sau cuộc đại dịch COVID, cộng hưởng với kinh tế suy thoái, kinh doanh thua lỗ nên không thể đủ nguồn lực để đảm bảo điều kiện vay ngân hàng", ông Hùng phản ánh. 

Về phía Ngân hàng, ông Hùng cho biết, giảm điều kiện tín dụng là điều không thể bởi điều này được quy định trong Luật. Luật không nằm trong phạm vi cho phép của ngành ngân hàng mà phải Quốc hội thông qua. "Như vậy bản thân ngân hàng không thể giảm chuẩn cho vay được", ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng thông tin, có thể thấy lãi suất đang thấp, những doanh nghiệp đủ điều kiện 40-50% vẫn có thể tiếp cận vốn. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay là những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, phải cơ cấu nợ, điều chỉnh gia hạn nợ mới được vay tiếp. Và để được vay tiếp doanh nghiệp phải quản lý được dòng tiền nhưng không quản lý được dòng tiền thì ngân hàng không có cơ sở để cho vay.

"Bản chất hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, 1 số kiến nghị liên quan tới điều chỉnh cơ chế, chính sách Hiệp Hội Ngân hàng đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét lại những gì cần thiết có thể bổ sung và kéo dài, tuy nhiên phải phù hợp với thực tiễn, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng tổ chức tín dụng và rộng hơn là của hệ thống ngân hàng", ông Hùng nêu quan điểm.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Hùng cho rằng cần nhìn từ thực trạng của doanh nghiệp. Và để biết thực trạng của doanh nghiệp thì từng doanh nghiệp phải nêu ý kiến. Ý kiến có rất nhiều, bản thân các Hiệp hội ngành nghề đều khó khăn vậy cơ sở nào để chúng ta có thể tăng trưởng?

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và kỳ này VCCI cũng có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ, giảm chi phí về cơ chế chính sách. Đây là điểm cần tập trung và tháo gỡ đầu tiên về thể chế, quy định của pháp luật làm sao để giảm chi phí cho doanh nghiệp", ông Hùng nêu đề xuất.


Toàn cảnh “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 19/07/2023.

Bên cạnh đó, cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, các Bộ, Ngành cũng cần đánh giá thực trạng nền kinh tế. Những vấn đề gì Chính phủ quá thẩm quyền thì cần trình Quốc hội ra Nghị quyết. Trong đó, chúng ta cần xác định đúng thực trạng của nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp có khả năng vượt qua khó khăn hay không? "Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành đã rất nỗ lực tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp. Nhưng cơ chế chính sách đó có thực hiện được không khi vẫn vướng. Cần phải có nghị quyết để bảo vệ hành lang pháp lý", ông Hùng nói.

Vấn đề thứ hai theo ông Hùng, đó là đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh cần đặt vấn đề nguồn lực của chúng ta còn mạnh để đẩy mạnh đầu tư công hay không, tiền của Chính phủ còn hay không?. Nếu thực sự còn thì dự án nào, đầu tư nào có kế hoạch đầu tư mà không đầu tư được cần xử lý trách nhiệm để dồn nguồn lực đó cho đầu tư khác cần thiết hơn. "Cần đẩy mạnh đầu tư công lên để tạo đà phát triển", ông Hùng nhấn mạnh.

Điểm lưu ý thứ ba, theo ông Hùng là cải cách thủ tục hành chính. Ông Hùng cho biết, nhiều dự án đặc biệt là dự án bất động sản gần như các địa phương không có. Nếu dự án không được triển khai thì không thể sửa Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước. Ông Hùng dẫn chứng, một dự án đủ kiều kiện đó là dự án bán cho người dân phải có sổ đỏ. Nếu muốn có sổ đỏ thì doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, hoàn thành phòng cháy chữa cháy,... Nếu không đảm bảo các điều kiện này thì ngân hàng cho vay không đảm bảo được việc cấp sổ đỏ cho người dân. "Không cấp được sổ đỏ ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho người dân? Ngân hàng khi đó không thu được nợ thì có quy trách nhiệm cho ngân hàng không? Tại sao phải bỏ điều 06 trong Thông tư 06. Những kiến nghị thì rất nhiều nhưng chúng ta cần xem xét toàn diện", ông Hùng nói.

Cần có cơ chế chính sách để đẩy mạnh, tăng cường thị trường vốn, tạo niềm tin trở lại cho thị trường vốn, từ đó đỡ áp lực vào nguồn vốn ngân hàng. Ảnh internet.

Thứ tư, ông Hùng nhấn mạnh tới việc chúng ta đã có Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 24 tỉnh thành, địa phương nhưng địa phương đã làm gì thì chúng ta chưa bàn đến vấn đề này và quỹ đã làm gì cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn này? Cần kiện toàn quỹ này để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn khó có thể tiếp cận vốn, những doanh nghiệp khởi nghiệp,... "Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng ta đã có nhưng không triển khai nên doanh nghiệp không được hưởng quyền lợi gì trong triển khai hỗ trợ theo quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ điểm Ngân hàng cho vay với lãi suất thấp", ông Hùng thông tin

Điểm thứ 5 ông Hùng đề cập tới việc hoàn thiện về thuế VAT. "Hiện doanh nghiệp cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn nên chúng ta cần xem xét và đẩy nhanh hoàn thiện vấn đề này", ông Hùng cho biết.

Vấn đề cuối cùng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng là thị trường vốn. Thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản trầm lắng nên hiện nay dựa vào thị trường tiền tệ là chủ yếu. Giảm lãi suất nhưng thị trường vốn rất yếu, niềm tin của người đầu tư vào thị trường trái phiếu, thị trường vốn rất thấp. "Vì vậy, cần có cơ chế chính sách để đẩy mạnh, tăng cường thị trường vốn, tạo niềm tin trở lại cho thị trường vốn, từ đó đỡ áp lực vào nguồn vốn ngân hàng. Nguồn vốn ngân hàng là vốn bổ sung, vốn lưu động chứ không phải vốn đầu tư trung và dài hạn. Nếu muốn có vốn trung và dài hạn thì phải từ thị trường vốn vì vậy cần mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công thì phải tạo điều kiện cho thị trường vốn phát triển", ông Hùng kiến nghị.