Công nghệ lừa đảo bằng deepfake bước lên tầm cao mới với vụ 25,6 triệu USD

Một nhân viên tài chính ở Hồng Kông đã thực hiện chuyển số tiền lên tới 25,6 triệu USD cho kẻ lừa đảo sau khi tương tác với đồng thời nhiều bản deepfake của nhân viên công ty, bao gồm của Giám đốc tài chính. Đây là một trong những vụ lừa đảo bằng công nghệ deepfake lớn nhất và tinh vi nhất diễn ra từ đầu năm 2024 đến nay.

Theo cảnh sát Hồng Kông, những kẻ lừa đảo đã liên hệ với nhân viên tài chính này và đóng giả là Giám đốc tài chính của công ty có trụ sở chính tại Vương quốc Anh.

Nhân viên này đã tham gia một cuộc gọi điện video với "CFO" và các thành viên dễ nhận biết khác của công ty. Trên thực tế, mỗi "người" mà anh ta tương tác đều là một bản deepfake - có thể được tạo bằng cách sử dụng các video clip công khai của các cá nhân trên thực tế.

Những kẻ giả mạo đã sử dụng đồng thời nhiều bản deepfake để tham gia vào một cuộc gọi điện trực tuyến, dẫn tới việc lừa đảo tới 25,6 triệu USD.

Các deepfake yêu cầu nhân viên này giới thiệu bản thân và sau đó nhanh chóng hướng dẫn anh ta thực hiện 15 lần chuyển tiền, trong đó có 25,6 triệu USD đến 5 tài khoản ngân hàng địa phương. Họ tạo ra cảm giác cấp bách cho nhiệm vụ và sau đó cuộc gọi đột ngột kết thúc. Một tuần sau, nhân viên này kiểm tra yêu cầu trong công ty và phát hiện ra sự thật.

Cảnh sát Hồng Kông cho đến nay đã bắt giữ sáu người liên quan đến vụ lừa đảo. Các cá nhân liên quan đã đánh cắp 8 thẻ căn cước và đã nộp 54 lần đăng ký tài khoản ngân hàng và 90 đơn xin vay tiền vào năm 2023. Họ cũng đã sử dụng kỹ thuật deepfake để đánh lừa phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong ít nhất 20 trường hợp.

Việc sử dụng rộng rãi deepfake là một trong những mối quan tâm ngày càng tăng của công nghệ AI đang phát triển. Vào tháng 1 vừa qua, ca sĩ nổi tiếng có tầm ảnh hưởng toàn cầu là Taylor Swift đã bị các đối tượng xấu nhắm đến với các hình ảnh deepfake vô cùng sống động. Những hình ảnh khiêu dâm vô căn cứ của cô đã bị lan truyền một cách chóng mặt trên các mạng xã hội, buộc các nhà làm luật phải đau đầu cân nhắc về những sửa đổi sắp tới.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần lên tiếng về các cuộc gọi deepfake tới người dân, đi kèm những dấu hiệu nhận biết cơ bản. Mặc dù vậy, với sự phát triển về công nghệ không ngừng hiện nay, để tránh bị lừa đảo, trước khi thực hiện các giao dịch tài chính quan trọng sau mỗi cuộc gọi video, người dân nên thực hiện các hình thức kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng để tránh mất tiền oan.