Cận cảnh vỉa hè Hà Nội bị lấn chiếm, biến thành..."chợ Tết"

Trong dịp cận Tết Nguyên đán 2024, nhiều vỉa hè ở quận nội thành Hà Nội như biến thành chợ Tết với hoa đào, mai, lan, quất cảnh,… khiến người dân phải đi bộ xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông, tắc đường giờ cao điểm.

Sau gần một năm kể từ khi TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đồng loạt ra quân xóa bỏ các điểm lấn chiếm vỉa hè để làm nơi buôn bán, trông giữ phương tiện, tình trạng chiếm dụng vỉa hè tại nhiều tuyến phố vẫn tiếp tục tái diễn, nhất là trong dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ghi nhận thực tế trên đường Trường Chinh, nhiều cửa hàng bày biện đồ đạc chiếm dụng hết vỉa hè của người đi bộ. Thậm chí, các điểm xả quần áo và hoa quả Tết còn ngang nhiên dựng lều bạt trên cầu, gây cản trở giao thông.

Tại đường Nguyễn Trãi, trong suốt tháng 12 âm lịch, một gian hàng bày bán hoa lan được bắn khung nhôm, án ngữ trước tòa chung cư King Palace, chiếm cả vị trí của người đứng chờ xe buýt.

Đáng chú ý nhất là tuyến đường Tố Hữu (quận Hà Đông), bởi suốt thời gian qua dọc vỉa hè hai bên tuyến đường này bị các gian hàng bày quất cảnh, hoa đào, hoa mai, hoa lan, cây cảnh chiếm dụng hoàn toàn.

Do vỉa hè đã bị tiểu thương chiếm dụng làm chỗ buôn bán nên người đi bộ phải len xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây tắc đường trong giờ cao điểm.

Chia sẻ với phóng viên Đô thị mới,các tiểu thương khẳng định muốn có suất bán đồ Tết ở vỉa hè cần thuê cách Tết trước hàng tháng, ở thời điểm hiện tại hầu như không còn chỗ thuê.

Một tiểu thương tên H tiết lộ, trong 2 tháng Tết chị thuê vỉa hè có diện tích gần 30m2 với giá 10 triệu đồng/tháng.

Khác với chị H, một tiểu thương bán hoa đào ở vỉa hè một khu chung cư cao tầng trên đường Tố Hữu cho biết, chị phải thuê 20m2 vỉa hè với giá 15 triệu đồng/tháng, Cách Tết 20 ngày, chị mới mang đào ra bán nhưng vẫn phải trả tiền như thuê một tháng.

Trên đường Lê Văn Lương, tình trạng đào Tết, quất cảnh xâm chiếm vỉa hè của người đi bộ cũng diễn ra nhan nhản.

Theo nhiều chuyên gia và người dân, câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè là một bài toán khó bởi tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" hoặc làm ngơ cho các vi phạm vẫn liên tục diễn ra.

Thậm chí, vào năm 2017, Hà Nội đã ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ và đã đạt được những kết quả khả quan. Thế nhưng, nhiều quận huyện của Hà Nội đã không duy trì được điều này khiến tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn, đặc biệt là các quận nội thành.

Tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 14, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 7/12 vừa qua, lý giải về nguyên nhân tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp tục tái diễn sau mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Đây là nguồn thu nhập chính của bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố, quen thuộc với văn hóa vỉa hè. Do đó, việc đảm bảo trật tự vỉa hè là vấn đề rất phức tạp.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Công an TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự đô thị, nâng cao trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy phó mặc... Tuy nhiên, đây không phải trách nhiệm riêng của lực lượng công an mà của cả sở, ngành, các cấp...