Không làm sổ đỏ trước 2026, người dân sẽ mất thêm rất nhiều tiền?

Chuyên gia khuyên rằng, nếu có đầy đủ điều kiện, người dân nên sớm đi làm sổ đỏ trước năm 2026 bởi khi có bảng giá đất mới, chi phí có thể sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện nay.

Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025, các khoản chi phí liên quan đến việc cấp sổ đỏ sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, từ đầu năm 2026, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành và áp dụng bảng giá đất mới.

Theo đó, bảng giá đất hiện hành được áp dụng cho giai đoạn 2020-2024 sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025. 
Sau đó, hằng năm sẽ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất (cập nhật phù hợp với thị trường, khu vực, loại đất có biến động) thay vì định kỳ 5 năm/lần như hiện nay.

Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất mới xây dựng theo khu vực, vị trí trên cơ sở việc định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường. Mặt khác, bảng giá đất còn được xây dựng đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu giá đất.

Chi phí làm sổ đỏ sẽ tăng khi có bảng giá đất mới.

Tóm lại, bảng giá đất mới sẽ tiệm cận với giá đất thị trường nên có thể tăng mạnh so với bảng giá đất hiện hành. 

Các khoản tiền phải nộp khi đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu được tính theo giá đất trên bảng bao gồm: Tiền sử dụng đất; tiền thuê đất (nếu có); lệ phí trước bạ. Khi áp dụng bảng giá đất mới, các chi phí này có thể sẽ tăng theo. Trong đó, khoản tiền sử dụng đất là nhiều nhất (chỉ có một số trường hợp ngoại lệ không phải nộp).

Như vậy, theo các chuyên gia, nếu thuộc trường hợp đang sử dụng đất đủ điều kiện cấp mà chưa có sổ đỏ thì người dân cố gắng thực hiện thủ tục đề nghị cấp sớm và hoàn thành trước năm 2026.

Đất có sổ đỏ sẽ đảm bảo nhiều quyền lợi của người dân.

Sổ đỏ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân, tổ chức trong việc xác nhận, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu. Cụ thể như là căn cứ xác nhận chủ đất, điều kiện để nhà nước bồi thường khi thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai, xác định loại đất trên thị trường và điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Người đứng tên sổ đỏ cũng có nhiều quyền lợi bao gồm: Sử dụng và định đoạt (mua bán, cho thuê, chuyển nhượng… ) theo quy định của pháp luật. Những giao dịch mua bán đất không có sổ đỏ không được coi là hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Khi chuyển nhượng không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ; không thể chuyển mục đích sử dụng đất; việc mua bán chỉ có thể thực hiện bằng viết tay nên không đảm bảo giá trị về pháp lý, dễ bị tranh chấp; người mua không thể thế chấp khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng,...