Nếu minh bạch, xử lý xe trá hình không khó

Thời gian qua tình trạng xe dù, bến cóc, xe đội lốt hợp đồng vận chuyển khách liên tỉnh diễn ra phổ biến trên địa bàn Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, gây rất nhiều khó khăn cho DN làm ăn chân chính.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, nếu minh bạch sẽ không khó xử lý triệt để loại hình vi phạm này.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh chia sẻ: “Xe limousine, xe ghép, xe dù không vào bến đã, đang đe dọa sự tồn tại của các đơn vị vận tải làm ăn nghiêm túc. Không chỉ còn là thua thiệt nữa mà thực sự nó ảnh hưởng đến cả sự tồn tại của xe khách tuyến cố định”.


Nếu chúng ta không có những giải pháp quản lý, xử lý một cách kịp thời, kiên quyết và triệt để thì không còn lâu nữa, các DN hoạt động vận tải tuyến cố định sẽ khó mà đứng vững chứ chưa nói đến phát triển. Những loại xe vi phạm như vừa nêu đang biến đường phố thành nhiều bến xe, với văn phòng, chi nhánh đại diện, trá hình để đón khách ở khắp mọi nơi trong TP.

Thanh tra GTVT xử lý nhiều xe dừng đỗ, đón trả khách trái quy định tại đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Thanh tra GTVT xử lý nhiều xe dừng đỗ, đón trả khách trái quy định tại đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công


Ví dụ như khu vực đường Kim Đồng, có rất nhiều xe trá hình trên các tuyến, không cứ gì xe nhỏ, xe to cũng dừng đỗ bắt khách rất nhiều, nhưng việc giải quyết vi phạm lại chưa đến nơi đến chốn.

Vị lãnh đạo Công ty CP Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất mong sự đồng hành kiên quyết của các lực lượng chức năng, sớm thực hiện thống nhất theo các quy định hiện hành của pháp luật về việc kiểm tra, xử lý xe trá hình, để tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại một cách tập trung, an toàn, tránh được nguy cơ rủi ro, thiệt thòi khi được tiếp cận dịch vụ chính thức của bến xe”.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh phân tích, để đón được xe khách trá hình, người dân phải đứng chờ ở trên đường, chịu đựng mưa nắng trong khi bến xe khang trang, hiện đại thì thưa vắng.

Mặt khác, xe khách trá hình còn trốn được rất nhiều nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước, đối với xã hội và người dân. Ở chừng mực nào đó loại hình này được một bộ phận người dân ưa chuộng trước mắt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cá nhân, tổ chức được kinh doanh tùy tiện, trái với các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Mạnh cũng cho rằng: “Chúng ta cứ mải mê đi quản lý bên sắp tan (xe khách tuyến cố định - PV), trong khi bên vi phạm đang diễn biến ngày càng phức tạp thì lại chưa quản lý được. Theo tôi được biết, tổng số phương tiện của xe khách trá hình gấp khoảng trên 4 lần so với xe khách tuyến cố định”.

Lãnh đạo Công ty CP Vận tải ô tô tỉnh Điện Biên còn nhận định, đến nay việc thu các loại thuế phí đối với xe khách trá hình tại các tỉnh, thành đang bị buông lỏng. Xe đội lốt hợp đồng chạy khách liên tỉnh gần như không phải nộp khoản tiền nghĩa vụ nào vào ngân sách Nhà nước cả.

“Chúng tôi là DN, phải nói tiếng nói của DN. Chắc chắn các đơn vị đấy, họ cũng phải nộp, nhưng không nộp vào cho Nhà nước, mà nộp ở đâu đâu. Chúng tôi cũng thấy rằng đấy là một sự thiếu minh bạch, cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, giữa các sở, ban, ngành quản lý vận tải” - ông Nguyễn Quốc Mạnh nói.

Liên quan đến các văn phòng, chi nhánh đại diện của xe khách trá hình, ông Nguyễn Quốc Mạnh khẳng định: “Nếu nói là không quản lý được thì tôi chưa đồng thuận. Vấn đề chỉ là cách thức quản lý là chưa phù hợp, dẫn đến tạo cơ hội cho xe trá hình phát triển. Bây giờ văn phòng đại diện có số nhà, đóng trên một địa bàn dân cư, chả lẽ chúng ta không kiểm tra được? Chính chúng ta dung túng và tùy tiện để cho các hoạt động đó phát triển”.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng, nếu lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương làm quyết liệt, minh bạch lên thì việc xử lý xe khách trá hình không khó.