Xe tải chạy “rùa bò” chiếm làn cao tốc: Không phạt nặng sẽ nhờn luật

Lái xe chiếm làn tốc độ cao nhưng chạy kiểu "rùa bò” khiến hàng dài phương tiện phải chấp nhận nối đuôi ùn dài. Tài xế thiếu kiên nhẫn, cố tình vượt lại phạm luật, nguy cơ gặp tai nạn.

Việc thiết kế cao tốc nhưng xe không thể đi tốc độ cao do vướng các xe "rùa bò" đang gây ra cảnh ức chế. Tình trạng này đã diễn ra ở cao tốc có 2 làn như Cam Lộ- La Sơn, nơi vừa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người tử vong.

Tại Cam Lộ- La Sơn, nhiều trường hợp ở đoạn đường thông thoáng, bằng phẳng nhưng xe tải vẫn bò chậm với tốc độ chỉ 20-30km, gây cảnh ức chế cho người đi sau. Nhiều tài xế cau có, nghi ngờ rằng các xe này cố tình "cài bẫy" người đi sau. Nếu không đủ kiên nhẫn mà nhấn ga vượt lên đè vạch thì sẽ phạm luật.

Trước đây khi cảnh sát giao thông chưa tăng cường trực, tình trạng lấn làn vượt lên sai luật diễn ra thường xuyên, nhưng gần đây thì giảm nhiều.

Nhiều tài xế vượt sai luật trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Quang Thành - Nguyễn Đức

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở cao tốc Cam Lộ- La Sơn, ngay cả các tuyến cao tốc 3, 4 thậm chí 6 làn thì vẫn có hiện tượng xe tải, xe container hay ô tô con nghênh ngang chiếm làn 1 (làn trái) với tốc độ “rùa bò”.

Một khảo sát của nhóm TS. Đặng Minh Tân (Trường ĐH Giao thông Vận tải) trên 3 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc và Hà Nội - Thái Nguyên đã cho thấy các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao.

Trong đó các xe tải chỉ có 42,62% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 2) ở đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, 37,15% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và 28,86% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, nhiều phương tiện dù chạy với tốc độ dưới 40km/h nhưng vẫn đi ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt phía bên phải, sai quy định.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ô tô con và xe khách có xu hướng chạy với tốc độ cao hơn ô tô tải.

“Tình trạng các phương tiện đi chậm, chiếm làn phía bên trái sát dải phân cách khiến các xe chạy đúng tốc tộ có nhu cầu vượt phải vượt sang bên phải, gây ra nhiều xung đột, tăng nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông”, TS. Đặng Minh Tân nêu.

Dẫn nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ AAA vì An toàn giao thông Mỹ, TS. Đặng Minh Tân cho biết, 80% lái xe cảm thấy ức chế, tức giận khi bị những xe tốc độ thấp bám làn đường bên trái và không nhường đường; 51% cho biết họ sẽ “cố ý bám đuôi” trong những trường hợp này. Tình trạng này có thể phát sinh những hành động nguy hiểm gây tai nạn giao thông nếu tài xế quyết định vượt sai luật.

Cần xử phạt mạnh tay

Nói về vấn đề này, nhiều luật sư cho rằng pháp luật hiện hành có quy định xử lý việc xe chạy dưới tốc độ tối thiểu, chạy như rùa bò trên cao tốc, nhưng thực tế đường sá hiện nay không dễ để xử phạt tài xế.

Sau vụ tai nạn thảm khốc, cao tốc Cam Lộ - La Sơn lộ nhiều bất cập

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định về giao thông trên đường cao tốc.

Theo đó, ô tô không được chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.

Tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT cũng quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới. Cụ thể, Điều 9 quy định: Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120km/h. Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.

Hiện nay, không có quy định chung về tốc độ tối thiểu trên cao tốc mà mỗi tuyến đường và làn đường sẽ có quy định riêng nhưng không được dưới 50km/h. Tốc độ tối thiểu được áp dụng phổ biến nhất trên các tuyến đường cao tốc là 70km/h.

“Theo Điểm s, Khoản 3, Điều 5, Nghị định 100, mức phạt cho việc điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường có quy định tốc độ là từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu chạy xe dưới tốc độ tối thiểu và gây tai nạn giao thông, tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2- 4 tháng”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng nêu.

Tuy nhiên, trên thực tế hầu như rất ít trường hợp xe chạy dưới tốc độ quy định trên cao tốc, dễ thấy nhất là tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Về vấn đề này, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng: Việc không xử lý vi phạm khi đã có hành vi vi phạm là biểu hiện của việc tuân thủ pháp luật không đồng bộ, không nghiêm minh.

Thế nhưng, trên thực tế vì đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn hiện nay có thể còn nhiều vấn đề thực tế chưa đảm bảo được vận hành đúng chuẩn đường.

 Các loại xe vận hành và khả năng tham gia giao thông của các loại xe như xe container, xe tải nặng khó có thể tuân thủ giới hạn tốc độ tối thiểu vì điều kiện địa hình, tiêu chuẩn đường và các vấn đề thực tế khác.

Do đó, nếu cứ căng ra xử lý vi phạm thì người tham gia giao thông sẽ không phục vì đường không đủ chuẩn để họ có thể chạy đúng tốc độ, có trường hợp nếu tuân theo đúng biển báo thì có thể có những hệ lụy tiêu cực về an toàn giao thông. Vì thế, cần có sự điều chỉnh biển báo tốc độ cho phù hợp.

Trước thực trạng này, TS. Đặng Minh Tân (Trường ĐH Giao thông Vận tải) kiến nghị cần cụ thể các quy định pháp lý, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc không chấp hành về tốc tộ trên các làn đường cao tốc, góp phần giảm thiểu ùn tắc, tránh tai nạn giao thông không đáng có.

Trước mắt, với tuyến đường cao tốc 6 làn xe, có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường một số giải pháp sử dụng biển báo, khuyến khích các phương tiện chạy tốc độ thấp, đi chậm ở làn bên phải và nhường đường cho xe vượt.

Cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề tốc độ, đi đúng làn đường nói riêng.

Đối với những tuyến cao tốc 2 làn xe, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm xe tải, xe container đi vào. Song song đó, cần tăng cường camera giám sát trên các tuyến đường. Những xe vi phạm phải xử lý thật nghiêm.