Doanh nghiệp cần tự “thoát xác” về tư duy, chiến lược để phát triển bền vững và nâng tầm

Một số chuyên gia còn lạc quan khi cho rằng giai đoạn “tĩnh lặng” đang qua và đây là lúc để doanh nghiệp bất động sản chứng minh thực lực của mình.

Thông thường vào dịp cuối năm, giao dịch mua bán nhà ở sẽ tăng mạnh. Nhưng thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước,... thị trường bất động sản năm 2024 sẽ thoát khỏi tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng thận trọng

TS. Lê Xuân Sang (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, mặc dù còn khó khăn, nhưng nếu trụ vững và trải qua được, doanh nghiệp sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Thị trường sẽ không còn thế hệ doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Vị chuyên gia nêu ý kiến: "Để phát triển bền vững và nâng tầm, DN cần tự "thoát xác" về tư duy, chiến lược quản trị mới. Tất nhiên, vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong ươm dưỡng, phát triển thế hệ doanh nhân mới - doanh nhân 4.0".

Doanh nghiệp cần tự “thoát xác” về tư duy, chiến lược để phát triển bền vững và nâng tầm- Ảnh 1.

Mặc dù còn khó khăn song nếu trụ vững và trải qua được, doanh nghiệp sẽ trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Nguồn ảnh: Doanh nhân trẻ

Báo cáo của Fiingroup (công ty chuyên cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu tài chính và các dịch vụ phân tích khác) cho biết, dựa trên nền tảng dữ liệu đã có thì triển vọng thị trường bất động sản năm 2024 vẫn chưa rõ ràng. Theo ghi nhận từ hoạt động phát hành của các doanh nghiệp sẽ có gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu cần đáo hạn vào năm 2024. Trong đó, riêng nhóm bất động sản chiếm 123.000 tỷ đồng. Đây là khó khăn lớn mà doanh nghiệp bất động sản gặp phải nếu muốn tăng tốc trong năm 2024.

Tuy nhiên, trong năm 2023, Chính phủ và các cơ quan bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt nhằm khôi phục lại thị trường bất động sản. Từ trước tới nay, chưa bao giờ cùng một thời điểm Quốc hội lại thông qua hàng loạt dự án luật như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) như vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ được cải thiện khi các biện pháp điều hành kinh tế của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng sẽ rất khó đạt được mức đột biến nếu các động thái từ các cơ quan, bộ ngành và phía ngân hàng không có sự khác biệt, khi mà nguồn vốn vẫn là một trong những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản.

Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) nhận định, việc khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là cấp thiết đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp bất động sản. Dù doanh nghiệp được gỡ về pháp lý nhưng "sức cùng lực kiệt", không có vốn mồi thì cũng không thể triển khai dự án, từ đó không thể tạo ra dòng tiền từ khách hàng.

Hiện tại, tâm lý của nhiều nhà đầu tư dù đã tích cực hơn nhưng vẫn khá thận trọng. Nhiều người vẫn chọn gửi tiền ngân hàng dù lãi suất đang giảm sâu.

Doanh nghiệp cần tự “thoát xác” về tư duy, chiến lược để phát triển bền vững và nâng tầm- Ảnh 2.

Trong khó khăn, doanh nghiệp phải rất nỗ lực để tự cứu mình, để tồn tại. Nguồn ảnh: Tài nguyên và Môi trường

Giá nhà neo cao khiến người mua chần chừ

Có thể thấy, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thời gian gần đây đã theo chiều đi xuống. Tuy nhiên, người mua nhà vẫn đợi lãi suất giảm tiếp, đồng thời đợi giá nhà đi xuống.

Người mua nhà chia sẻ, với căn hộ diện tích 77m2, gồm 3 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) hiện đang rao bán với giá 3,1 tỷ đồng, tương đương hơn 40 triệu đồng/m2. Như vậy, với mức giá này so với năm 2022 không giảm, thậm chí còn tăng.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, giá bán căn hộ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng. Tại Hà Nội, giá bán trung bình các căn hộ mở bán mới trên thị trường sơ cấp quý 3 ghi nhận tăng gần 7% theo quý, 14% theo năm, ở mức 50,8 triệu đồng/m2. Với thị trường thứ cấp, tất cả các quận đều tăng giá bán so với quý trước.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán thứ cấp ghi nhận tăng 3% so với quý trước, ở mức 45 triệu đồng/m2. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án gần trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, sự "lệch pha cung - cầu" đã dẫn đến việc rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Thị trường rõ ràng đã lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Từ năm 2020 đến nay, phân khúc này luôn chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 70 - 80% sản phẩm nhà ở trên thị trường, phần còn lại ít ỏi là nhà ở trung cấp và nhà ở bình dân.

"Nếu căn hộ bình dân giá 2-3 tỷ đồng như hiện nay thì người thu nhập trung bình thấp có tiền để dành 100 triệu đồng/năm, cũng phải mất khoảng 25 năm mới mua nổi nhà", ông Châu nói.

Doanh nghiệp cần tự “thoát xác” về tư duy, chiến lược để phát triển bền vững và nâng tầm- Ảnh 3.

Thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục. Nguồn ảnh: Tạp chí Tài chính

Trong một cuộc họp diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần phải cân nhắc về vấn đề giảm giá bán.

Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa cho biết, trong khó khăn, doanh nghiệp phải rất nỗ lực để tự cứu mình, để tồn tại. Bằng cách này hay cách khác, nhiều doanh nghiệp đã chủ động giảm giá sản phẩm, giảm giá chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn nhưng ít chủ đầu tư nào tuyên bố công khai.

"Giá chuyển nhượng nhiều dự án đã giảm 20%-30% so với năm ngoái. Thậm chí có dự án chủ đầu tư bị ép vào thế phải giảm 40%-50% vì quá khó khăn. Còn trên thị trường sơ cấp, sản phẩm bán trực tiếp cho khách hàng, DN không thể công bố giảm giá bán so với trước mà thực hiện bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi như khuyến mãi, chiết khấu giá bán từ 5%-10%, thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi vay, chiết khấu cao nếu khách hàng thanh toán sớm... Tính chung lại, những chính sách này gián tiếp đã giảm 20%-30% so với giá thị trường" - ông Quang cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu cho rằng người dân có nhu cầu thật luôn sẵn sàng "xuống tiền" mua nhà, vấn đề là giá nhà phải hợp lý. Tuy nhiên, về cơ cấu giá thành, thực tế rất khó để có căn hộ chung cư với giá dưới 25 triệu đồng/m2 bởi suất đầu tư đối với các công trình đã 11 triệu đồng/m2.