Ba ngân hàng “ngược dòng” tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia lý giải gì?

Động thái tăng lãi suất tiền gửi tại một vài nhà băng gây chú ý trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại khác tiếp tục làn sóng hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, các chuyên gia đã có những phân tích liên quan đến "động thái lạ" này...

Theo thống kê lãi suất tiền gửi công bố cuối tuần qua, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,2-0,4 điểm % ở một số kỳ hạn sau 2 lần giảm. Cụ thể, lãi suất gửi dưới 6 tháng tại ngân hàng này tăng lên mức 3,7%/năm; gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất 4,8%/năm, với khách gửi kỳ hạn 36 tháng tại quầy lãi suất cao nhất là 6%/năm. Trường hợp khách gửi online, lãi suất cao nhất tăng lên 6,2%/năm.

Trước đó, ngân hàng thương mại như Techcombank, ACB... cũng điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn ngắn. Ngày 16/2, Techcombank tăng 0,4% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng lên 2,75%/năm và tăng 0,5% lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng lên 3,15%/năm. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của Techcombank cao nhất là 4,5%/năm cho khách hàng cá nhân gửi từ 12 tháng trở lên. 

Đầu tháng 1/2024, ACB đã thay đổi biểu lãi suất tiền gửi từ 1-3 tháng tăng 0,3%; kỳ hạn 12 và 18 tháng tăng 0,1%. Hiện, lãi suất gửi cao nhất tại nhà băng này là 4,6%/năm. Ngoài ra, HDBank đang áp dụng lãi suất tiền gửi 8,1%/ năm dành cho khách hàng gửi số tiền tối thiểu 300 tỷ đồng tại kỳ hạn 13 tháng; tiền gửi dưới 300 tỷ đồng, mức lãi suất tối đa có thể được hưởng là 5,7%/năm…

Một số ngân hàng “ngược dòng” tăng lãi suất tiết kiệm

Hầu hết các ngân hàng đang liên tiếp giảm lãi suất đầu vào và tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% trong tháng đầu năm. Việc các nhà băng trên bất ngờ “ngược dòng” tăng lãi suất huy động trở lại khiến nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu lãi suất sẽ sớm quay đầu tăng ở cả ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng lý giải, lãi suất chỉ tăng ở một vài kỳ hạn. Nguyên nhân do các kỳ hạn này mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Trong khi đó, mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng có tính ổn định.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nhìn chung vẫn là xu hướng giảm lãi suất huy động. Các ngân hàng đang từng bước đưa lãi suất về kỳ hạn hợp lý, theo đường cong lãi suất. Việc giảm lãi suất là điều kiện để giúp nền kinh tế phục hồi, đặc biệt là kênh đầu tư bất động sản. 

Giới chuyên gia nhận định, xu hướng lãi suất thấp có thể tiếp tục duy trì trong những tháng đầu năm nay, ít nhất là trong quý I/2024 cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại là 3,38%/năm và 6,84%/năm, giảm lần lượt khoảng 0,15 điểm % và 0,25 điểm % so với cuối năm 2023. 

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá, lãi suất cho vay đang thấp nhất trong vòng 20 năm qua và NHNN chưa có kế hoạch thay đổi lãi suất điều hành, ít nhất trong những tháng đầu năm nay nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng…

Thống kê từ đầu năm 2024, lãi suất tiền gửi và cho vay tại các ngân hàng đều hạ nhiệt. Trong tháng 2, đã có tới 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động: LPBank, Sacombank, NCB, Viet A Bank, SeABank, Techcombank, ACB, VIB, Eximbank, BVBank, KienLong Bank, ABBank, Bac A Bank, PGBank, Sacombank, Dong A Bank, GPBank, MB, CBBank, VPBank. Hiện, lãi suất huy động 12 tháng cao nhất thuộc về Nam Á Bank 5,4%/năm.