Chảy máu chất xám và cuộc chiến giành nhân tài AI nóng lên từng ngày tại châu Âu

Làn sóng chạy đua trí tuệ nhân tạo trên thế giới suốt thời gian vừa qua đang dẫn đến một cuộc chiến “nóng” khác: Cuộc chiến giành các nhân tài kỹ thuật về AI, đặc biệt ở châu Âu.

Thành công của ChatGPT thời gian qua đã tiếp thêm sinh lực cho các nhà đầu tư, những người đã – đang đổ một lượng tiền khổng lồ vào các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng. Điều này càng được thúc đẩy trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, việc đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống không còn đem lại lợi nhuận như mong muốn. Bên cạnh tiền số, thị trường thời gian qua đang chứng kiến luồng đầu tư khổng lồ vào phát triển các nền tảng, mô hình AI mang tính ứng dụng cao.

ai-1710222797.jpg
Cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo đang tạo ra làn sóng chảy máu chất xám của các công ty AI lớn cũng như cuộc chiến giành nhân tài tại châu Âu.

Đối với AI, nguồn nhân tài chất lượng cao được xem là yếu tố tiên quyết hàng đầu. Điều này đang dẫn đến một cuộc chạy đua và chảy máu chất xám trong lĩnh vực trên tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt là châu Âu, nơi có nhiều công ty AI lớn như OpenAI của Mỹ, Cohere và Anthropic của Canada liên tục mở trụ sở mới tại các nước thành viên.
Trường hợp điển hình liên quan đến tình trạng chảy máu chất xám AI phải kể đến Google DeepMind. Được thành lập vào năm 2010 và được Google mua lại vào năm 2014, DeepMind – một công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại London đã từng bước tạo nên tên tuổi khi áp dụng AI vào mọi lĩnh vực, từ trò chơi đến cấu trúc sinh học.
Hiện tại, không chỉ phải cạnh tranh với các công ty AI lớn của Mỹ, Trung Quốc, Google DeepMind đang phải giải quyết một vấn đề khá đau đầu khi các tài năng AI lần lượt rời đi để gia nhập các công ty đối thủ hoặc thành lập công ty cho riêng mình. 
Một số vụ ra đi đáng chú ý như đồng sáng lập Mustafa Suleyman. Người này đã rời đi để cùng tỷ phú Linkedln Reid Hoffman thành lập công ty Inflection AI có trụ sở tại California (Mỹ). Tiếp đến là sự ra đi của nhà khoa học Arthur Mensch, hiện là giám đốc điều hành của Mistral AI. Cả hai công ty mới này đều được định giá hàng tỷ USD chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. 
Trước đó, nhà nghiên cứu chính tại DeepMind là Phil Blunsom cũng rời đi để đầu quân cho Cohere, hiện đang là trưởng bộ phận nghiên cứu cho công ty từ năm 2022. Nhà nghiên cứu khác là Sebastian Ruder cũng gia nhập Cohere từ tháng 1 năm nay. Chuyên gia này không tiết lộ quyền lợi mà mình nhận được khi đến công ty mới nhưng thừa nhận đầy ẩn ý: “Khi cơ hội đến, hãy nắm lấy nó”.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn cản nhân viên gia nhập công ty khác hoặc thành lập công ty riêng, Google DeepMind đã cấp cho một số nhà nghiên cứu cấp cao quyền sở hữu số lượng cổ phiếu trị giá hàng triệu USD từ đầu năm nay. Đây cũng là phương pháp đang được nhiều công ty lớn sử dụng để giữ chân nhân tài và cho thấy hiệu quả khá tốt.
Người phát ngôn của Google DeepMind khẳng định công ty đang làm tốt trong việc thu hút và nuôi dưỡng nhân tài.

ai-1710223416.jpg
Cuộc chiến giành nhân tài AI đang đẩy mức lương của các nhân sự trong lĩnh vực này lên cao hơn bao giờ hết.

Theo công ty “săn đầu người” Avery Fairbank, lương nhân viên C-Suite tại các công ty AI ở Anh đã tăng theo cấp số nhân trong năm qua. Giám đốc điều hành của công ty này khẳng định: “Sự gia nhập của những gã khổng lồ AI nước ngoài như Anthropic và Cohere vào thị trường Anh sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh về tài năng AI”. Ở thời điểm hiện tại, các giám đốc điều hành có mức lương cơ bản khoảng 350.000 bảng Anh, tăng gấp nhiều lần so với mức lương từ 50.000- 100.000 bảng Anh được ghi nhân thời gian trước đó.