Dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam

Những năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã và đang “tạo lập” xu hướng mới là tập trung vào công nghệ xanh, sạch, những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới cùng những dự án lớn có giá trị hàng tỷ USD.

Nếu năm 2013, ở nước ta mới chỉ có vài thương vụ với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD thì bắt đầu từ năm 2019 và đạt đỉnh vào năm 2021 số lượng đã tăng lên 165 thương vụ, tổng giá trị lên đến 1,442 tỷ USD.

Công nghệ tài chính, giáo dục và trí tuệ nhân tạo hút vốn FDI

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã chững lại. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13% chỉ còn 427 triệu USD, số lượng thương vụ giảm 40%, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018.

thu-hut-von-fdi-trong-boi-canh-lam-phat-1712634753.jpg
Việc gọi vốn sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi sự thận trọng trong tâm lý của các nhà đầu tư

Số liệu báo cáo từ Do Venture và NIC cho biết, ngoại trừ các vòng đầu tư giai đoạn sau, số lượng giao dịch cũng giảm đáng kể ở các thương vụ có quy mô gọi vốn trung bình và nhỏ, mức giảm là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD. Trong khi đó, số lượng giao dịch trong phạm vi 10 - 50 triệu USD giảm không đáng kể. Điều này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trường thành” ở Việt Nam.

Hiện tại, việc gọi vốn sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi sự thận trọng trong tâm lý của các nhà đầu tư. Số lượng thương vụ sụt giảm dẫn đến giá trị đầu tư cũng giảm rõ rệt ở các vòng đầu tư giai đoạn đầu, điều này càng minh chứng cho sự thận trọng và khắt khe của các nhà đầu tư ngay cả với các khoản có quy mô nhỏ. Trong khi giá trị trung bình của các vòng Pre-A và Series A tiếp tục tăng thì giá trị trung bình của các vòng Siries giảm 44%. Thực tế này cho thấy tác động mạnh mẽ của thị trường vốn đang thu hẹp lên các công ty có quy mô tăng trưởng.

Có thể thấy, một số lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm ưu tiên từ nhiều quỹ đầu tư như lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục và những start-up sử dụng trí tuệ nhân tạo để số hóa các ngành truyền thống. Đây là những mảng tiềm năng sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các quỹ đầu tư trong thời gian tới.

Giám đốc Quốc gia của Genesia Ventures Vietnam – bà Hoàng Thị Kim Dung bày tỏ quan điểm rằng hy vọng các start-up sẽ tập trung hơn vào bên trong để tồn tại. Tức phải tối ưu chi phí và đa dạng hóa các nguồn thu nhằm đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp. Bà Dung nhấn mạnh: “Start-up sẽ cần tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng thay vì theo đuổi chiến lược đốt tiền để có khách hàng bằng mọi giá”.

Ưu tiên phát triển các dự án có hàm lượng công nghệ cao

Từ sau khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao và những ngành mang tính chất mũi nhọn, có tính lan tỏa.

fdi-cong-nghe-cao-1712634706.jpeg
Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực

Điển hình như Tập đoàn Amkor đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, thử nghiệp vật liệu, thiết bị bán dẫn. Được biết, đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor.

Bên cạnh đó, tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây cũng là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Không những thế, còn rất nhiều dự án được triển khai trong năm 2023 như dự án sản xuất và gia công máy tính xách tay, máy tính để bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) có tổng mức đầu tư dự kiến là 120 triệu USD. Hay điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD….

Với hàng loạt các dự án và các “ông lớn” công nghệ vào Việt Nam trước đó như Samsung, Intel… cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, yêu cầu mới về nhân sự trong các lĩnh vực này đòi hỏi phải có giải pháp kịp thời nhằm thích ứng và hấp thụ hiệu quả dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài.