Vụ án Vạn Thịnh Phát: Nhiều tài sản bất động sản bị thẩm định không đúng giá trị thực

Quá trình thực hiện các khoản vay, nhóm lãnh đạo của Vạn Thịnh Phát và SCB đã phối hợp với nhau để làm theo chỉ đạo từ bà chủ Trương Mỹ Lan. Những người này trực tiếp hoặc qua trung gian liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư thẩm định, nâng khống giá trị theo yêu cầu của SCB.

Nhiều tài sản là bất động sản bị nâng khống giá trị

Tại bản cáo trạng dài 160 trang do VKSND tối cao công bố ngày 5 tháng 3 nhận định, do có mối quan hệ quen biết từ trước nên Trần Văn Nhị, Phó Giám đốc công ty ATC được Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Giám đốc (ngân hàng SCB) nhờ tìm kiếm các công ty Thẩm định giá để thẩm định giá tài sản đảm bảo cho Ngân hàng SCB.

Một trong những công ty được Nhị lựa chọn là Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú có trụ sở tại số 32 Đường D5, Phường 25, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Đại diện pháp luật là: Trần Thị Kim Ngân, Tổng Giám đốc; Trần Tuấn Hải là Thẩm định viên.

Bị can Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 5 tháng 3

Năm 2020, Dung yêu cầu Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân để phát hành 02 chứng thư Thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản. Trần Tuấn Hải nhận sự chỉ đạo của Trần Thị Kim Ngân đã nâng khống giá trị tài sản gấp nhiều lần thực tế. Cụ thể: Dự án 100 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh, thẩm định giá sai quy hoạch đã được phê duyệt (vượt 15 tầng); Dự án Khu Công viên mũi đèn đỏ và Khu nhà ở tại Phường Phú Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh, thẩm định giá sai quy hoạch, tài sản Thẩm định giá không đảm bảo pháp lý. Từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020, Trần Tuấn Hải và Trần Thị Kim Ngân đã ký phát hành 02 Chứng thư Thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành.

Ngân hàng SCB sử dụng 02 chứng thư trên để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là hơn 105 tỷ đồng, tổng dư nợ các khoản vay này tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 127 nghìn tỷ đồng.

Một công ty khác cũng nằm trong danh sách được Nhị lựa chọn là Công ty TNHH Thẩm định giá MHD, do bị can Hồ Bình Minh là Phó Giám đốc và Đại diện pháp luật là Trần Khánh Du. Khoảng giữa năm 2020, Hồ Bình Minh cùng Trần Khánh Du thống nhất với Bùi Ngọc Sơn, nhân viên Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB về việc thực hiện Thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB. Minh thống nhất với Sơn về việc nâng khống giá trị tài sản tại Dự án 100 Hùng Vương, Phường 9, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Giá trị tài sản bị nâng khống hơn 14 nghìn tỷ đồng, giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 02 khách hàng.

Dự án tại khu đất vàng 100 Hùng Vương đã bị các bị cáo nâng khống giá trị trong quá trình thẩm định

Một bất động sản khác cũng bị thẩm định không đúng giá trị thực tế là bất động sản tại địa chỉ 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Theo cáo trạng, bị can Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ Bất động sản DATC) đã tiến hành thẩm định giá tài sản không đúng với quy hoạch được phê duyệt (vượt 12 tầng), nâng khống tài sản thẩm định có trị giá hơn 7 nghìn tỉ đồng và phát hành lùi ngày, giúp Ngân hàng SCB hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo.

Kê biên, tạm dừng giao dịch hàng loạt bất động sản

Cũng theo cáo trạng của VKSND tối cao, liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ 1266 bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận công trình xây dựng; 1784 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 Hợp đồng công chứng, 147 Thỏa thuận bồi thường các thửa đất và các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh (đã đánh số bút lục, đưa vào hồ sơ vụ án).

Đồng thời, kê biên 1237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị can Trương Mỹ Lan. Kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 08 bất động sản của các bị can Bùi Anh Dũng, Bùi Đức Khoa, Hồ Bửu Phương, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Huệ Vân, Từ Văn Tuấn, Cao Việt Dũng và cá nhân đứng tên hộ các bị cáo.

85 bị cáo có mặt tại phiên tòa ngày 5 tháng 3

Kê biên 08 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.

Riêng đối với tài sản thể hiện tại 143 Giấy chứng nhận QSDĐ tái định cư tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, (tỉnh Long An), UBND tỉnh Long An có đề nghị được nhận lại 143 Giấy chứng nhận QSDĐ tái định cư nêu trên để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ và chuyển số tiền Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An được nhận khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân tái định cư để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ngăn chặn giao dịch của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đối với 08 tài khoản mở Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn và 01 tài khoản mở Ngân hàng SCB Chi nhánh Cống Quỳnh, tổng số tiền là hơn 789 tỷ đồng.

Sáng 5 tháng 3, vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát đã được TAND TP. HCM đem ra xét xử sơ thẩm, với 3 tội danh: đưa hối lộ, tham ô tài sản, và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Vụ án có tới 6 tấn hồ sơ, đựng trong 104 thùng với gần 2.500 tập tài liệu và 1 triệu bút lục. Tất cả được bảo vệ nghiêm ngặt trong phòng riêng. Có 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa. Phiên tòa dự kiến diễn ra gần 2 tháng (từ 5/3 - 29/4), do Thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa.