Ấm lòng các hoạt động hỗ trợ người lao động có “Tết sum vầy”

Tết Nguyên đán 2025 đang đến gần, các tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý lao động trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người lao động. Từ tặng quà, hỗ trợ vé xe về quê, đến các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, tất cả đều nhằm đảm bảo mỗi người lao động đều có một cái Tết sum vầy, đong đầy yêu thương.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các tổ chức công đoàn trên toàn quốc đã bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai nhiều chương trình chăm lo Tết, nhằm mang lại một cái Tết ấm no, đầy đủ cho người lao động. Các cơ quan quản lý cũng đang chủ động theo dõi tình hình và yêu cầu các doanh nghiệp sớm thông báo cho người lao động về kế hoạch lương, thưởng trong dịp Tết.

Trong suốt 10 năm qua, chương trình "Tết sum vầy" đã trở thành một hoạt động truyền thống quan trọng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐ) tổ chức để chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động vào dịp Tết Nguyên đán.

"Tết sum vầy" đã được Tông Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức 10 năm qua

Lần đầu tiên được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 tại Hà Nội, chương trình "Tết sum vầy" đã gây ấn tượng mạnh với hàng loạt hoạt động thiết thực như tặng quà, hỗ trợ xe miễn phí đưa người lao động về quê, sửa chữa nhà ở cho công nhân khó khăn… Từ thành công ban đầu, chương trình ngày càng mở rộng và trở thành một điểm nhấn quan trọng trong công tác chăm lo Tết cho đoàn viên và người lao động.

Những năm qua, "Tết sum vầy" đã được tổ chức ở tất cả các cấp Công đoàn, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tính đến tháng 2/2024, đã có 186.944 chương trình được tổ chức. Tổng cộng có 26,2 triệu người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, với tổng giá trị lên tới hơn 10.617 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2024, "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" đã tổ chức 14.600 chương trình, thu hút hơn 3 triệu đoàn viên, lao động tham gia.

Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đối tượng thụ hưởng chương trình ngày càng được mở rộng, đặc biệt là các công nhân ở trọ, người dân tộc thiểu số, người lao động gặp tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp hoặc bị mất việc làm. Các hoạt động chăm lo cũng được tổ chức linh hoạt, phong phú, phù hợp với đặc thù từng cơ sở, không mang tính rập khuôn, nhằm mang lại sự hỗ trợ thiết thực và ý nghĩa cho người lao động.

Dịp Tết Nguyên đán 2025, liên đoàn lao động nhiều tỉnh thành đã thông tin về kế hoạch hỗ trợ người lao động. Như Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, đơn vị sẽ hỗ trợ vé xe cho 5.000 công nhân lao động về quê ăn Tết. Công đoàn thành phố cũng dự kiến tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng" tại các cấp cơ sở và cấp trên cơ sở. Ngoài ra, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà và chúc Tết cũng sẽ được thực hiện, đặc biệt dành cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động, thiếu việc làm, mất việc làm, hoặc gặp khó khăn về lương, thưởng.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, dự kiến sẽ có 82.000 phần quà Tết với tổng giá trị khoảng 82 tỷ đồng, được trao tặng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Phương châm của các hoạt động là “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. Các cấp công đoàn tại đây sẽ tổ chức nhiều hình thức chăm lo linh hoạt, trong đó nổi bật là Chương trình "Tết sum vầy" và "Chợ Tết công đoàn 2025".

Ngoài ra, công đoàn Đồng Nai còn tổ chức các hoạt động vui xuân, thăm hỏi và tặng quà cho đoàn viên, người lao động, đồng thời hỗ trợ phương tiện đưa đón người lao động về quê ăn Tết.

Hay tại Khánh Hòa, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân "Vươn khơi bám biển" nhân dịp lễ ra quân khai thác thủy sản đầu năm. Đối với những khu vực có nhiều đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết, tổ chức công đoàn sẽ triển khai chương trình "Tết không xa nhà". Đồng thời, các cấp công đoàn ở đây cũng sẽ thăm hỏi và động viên những công nhân lao động khó khăn, đặc biệt là những người phải thuê trọ, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước.

Sở Công thương TP. HCM đề nghị tăng cường khuyến mãi, giảm giá hàng hóa dịp Tết

Quan tâm tới thưởng Tết và giá cả hàng hóa

Tết đến, tất cả người lao động đều quan tâm đến thưởng cuối năm. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan quản lý lao động tại nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp theo dõi tình hình tiền lương, thưởng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM đã đặt ra 12 nhiệm vụ trọng tâm cho tháng 11/2024, trong đó có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến lĩnh vực Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, sở sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng, cũng như tình hình trả lương và thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, Sở Công thương TP. HCM vừa có công văn gửi UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các doanh nghiệp bình ổn thị trường… về việc tăng cường các biện pháp quản lý giá cả, bảo đảm cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu theo dõi sát sao tình hình giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Địa phương cần có kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, các địa phương cần kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý, trong đó có việc tổ chức bán hàng lưu động để bổ sung nguồn cung trong trường hợp thiếu hàng cục bộ.

Sở Công thương cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về giá cả tại các hệ thống phân phối, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích. Ban quản lý các chợ cần đẩy mạnh công tác quản lý giá, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và việc cân, đong hàng hóa trong phạm vi quản lý.

Đặc biệt, Sở Công Thương yêu cầu doanh nghiệp tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa trước, trong và sau Tết, đặc biệt là vào các ngày cận Tết, nhằm giúp người dân có điều kiện mua sắm, vui xuân. Các chương trình khuyến mãi cần ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Tại Hà Tĩnh, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh này cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức rà soát tình hình tiền lương, nợ lương của năm 2024, kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Hà Tĩnh còn yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, cũng như quy chế trả lương và thưởng để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các sở trực thuộc, yêu cầu chủ động phối hợp với các cấp công đoàn và cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình tiền lương, thưởng cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Bộ cũng yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương và kế hoạch thưởng Tết của các doanh nghiệp trước ngày 15/12/2024.