Mở rộng danh mục thuốc BHYT
Ung thư là nhóm bệnh phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề xuất về việc điều chỉnh danh mục thuốc BHYT, nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, tiếp cận các loại thuốc mới.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang yêu cầu Bộ Y tế cung cấp danh mục các thuốc và bệnh mới. Như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của người bệnh, nhất là trong bối cảnh thiếu thuốc, thuốc vật tư ảnh hưởng đến người bệnh
Ông Hòa cũng nhấn mạnh, bệnh nhân mắc các bệnh nặng, đặc biệt là ung thư, hầu hết đều có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không có thẻ, họ sẽ không thể chi trả nổi chi phí điều trị rất lớn. Hiện nay, quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc cho bệnh nhân ung thư chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, vì phần lớn thuốc điều trị ung thư là biệt dược và có giá thành rất cao.
Về những lo ngại liên quan đến việc quỹ BHYT sẽ gặp thêm gánh nặng chi trả thuốc khi từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Luật BHYT, bệnh nhân ung thư sẽ không cần phải chuyển tuyến mà có thể trực tiếp đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu, ông Hòa cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ đầu đã ủng hộ và thống nhất với chủ trương này. Chúng ta không thể dùng rào cản hành chính để ngăn cản bệnh nhân tiếp cận các cơ sở điều trị chuyên khoa sâu.
Khi đã mắc ung thư, bệnh nhân cần được điều trị tại các chuyên khoa sâu. Thay vì yêu cầu bệnh nhân đi qua nhiều thủ tục hành chính, xin giấy chuyển tuyến, việc để bệnh nhân đến thẳng bệnh viện chuyên khoa sẽ giúp họ được điều trị kịp thời.
Theo ông Hòa, vấn đề sử dụng thuốc hiệu quả trong điều trị ung thư rất quan trọng đối với bệnh nhân. Hiện nay, một số loại thuốc thanh toán qua BHYT vẫn theo tỷ lệ nhất định và bệnh nhân vẫn phải đóng góp phần lớn chi phí. Mặc dù ai cũng mong muốn mở rộng danh mục thuốc BHYT và tăng quyền lợi cho người dân, nhưng việc mở rộng sử dụng thuốc ung thư và đánh giá tiên lượng điều trị vẫn phụ thuộc vào khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Vướng nợ nần vì ung thư
Trước thông tin về đề xuất của Bộ Y tế, nhiều bệnh nhân ung thư và người thân rất phấn khởi. Bởi với những người mắc ung thư, căn bệnh không chỉ là "án tử" đe dọa tính mạng mà còn mang đến gánh nặng kinh tế vô cùng lớn. Nhiều bệnh nhân phải bán tài sản, nhà cửa hoặc vay mượn để có tiền điều trị.
Vào giữa năm 2024, chị N.P.Th (45 tuổi, TP. HCM) phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn. Sau khi tìm hiểu về các phương pháp điều trị, chị được biết đến một loại thuốc mới, với liệu trình kéo dài 35 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tuần. Từ đó đến nay, chi phí thuốc của chị lên đến khoảng 1 tỷ đồng. Nếu hoàn thành liệu trình, tổng chi phí dự tính sẽ lên đến 3 tỷ đồng. Dù là người có điều kiện kinh tế, nhưng chị T. vẫn vô cùng lo lắng về số tiền này.
Bà N.T.N.N (54 tuổi, TP. HCM) đang điều trị ung thư vú giai đoạn 2 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP. Thủ Đức). Hơn 1 năm trước, bà phát hiện một khối u nhỏ ở ngực trái. Đi khám, bà được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2. Chi phí điều trị bệnh lên đến hàng tỷ đồng khiến bà không biết phải xoay sở như thế nào.
Bà N. bảo, đến giờ và nhớ lại khoảnh khắc khi biết tin mình mắc bệnh. Nghe được số tiền điều trị lớn như vậy, bà đã khụy xuống sàn, tay chân bủn rủn và không ngừng khóc.
Bà N. là thợ phụ cắt chỉ quần áo, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng. Chồng bà là thợ điện lạnh, nhưng hiện đã thất nghiệp. Không còn cách nào khác, vợ chồng bà buộc phải bán căn nhà duy nhất của mình để có tiền chữa bệnh. Đến nay, số tiền này cũng đã gần hết. Bà hy vọng, đề xuất của Bộ Y tế sẽ sớm được phê duyệt, như vậy bà có thể giảm bớt phần nào chi phí chữa bệnh.
Chị L.H.C. (Kiên Giang) phát hiện mắc ung thư vào tháng 5/2023 và được chỉ định dùng thuốc đặc trị cho bệnh ung thư vú giai đoạn di căn. Chị C. cho biết, toa thuốc đầu tiên chị phải trả tới 140 triệu đồng, các toa sau mỗi lần là 75 triệu đồng. Tính đến nay, chị đã dùng 18 toa với tổng chi phí lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Để có tiền chữa bệnh, chị đã phải bán đất đai. Từ khi chị mắc bệnh, chồng chị - một giáo viên, đã trở thành trụ cột duy nhất của gia đình, vừa làm việc vừa chăm sóc mẹ già và con nhỏ. Chị thương mẹ, thương chồng, thương con còn quá nhỏ nên chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần nhìn vào số tiền trị bệnh quá lớn, chị lại lo sợ. Chị bảo, hơn 1 tỷ đồng từ việc bán đất đã gần cạn, mà con đường điều trị vẫn còn dài. Hy vọng hiện nay của chị đặt vào chi trả của BHYT.