Cảnh báo người trẻ nâng cao khả năng tư duy tài chính khi “cuồng” mua sắm “hộp mù”

PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá, rất nhiều sản phẩm “hộp mù” nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ, vì nhóm này có xu hướng “cuồng” mua sắm và coi việc mua hàng là cách giải tỏa tâm lý, không nhất thiết để sử dụng sản phẩm. Vì thế, giá của những món hàng này thường cao hơn giá trị thực tế.

Dậy sớm, xếp hàng để mua “hộp mù”

Sáng 9/12, hàng dài các bạn trẻ xếp từ cổng cho đến sảnh chính tầng 1 tại một trung tâm thương mại ở quận Tây Hồ (Hà Nội) để chờ đợi vào cửa hàng pop-up (cửa hàng tạm thời) mua mẫu búp bê mới ra mắt có tên Crybaby. Đây là một dòng “hộp mù” mới xuất hiện.

Crybaby là sản phẩm móc khóa nhồi bông được thiết kế với các nhân vật có biểu cảm khóc dễ thương. Một trong những bộ sưu tập nổi bật nhất là "Crybaby x Powerpuff Girls Series" bao gồm 3 nhân vật chính là Blossom, Bubbles, Buttercup và nhân vật phản diện Princess Morbucks.

Crybaby là sản phẩm móc khóa nhồi bông được thiết kế với các nhân vật có biểu cảm khóc dễ thương

Người có nhu cầu mua Crybaby nhiều nhưng nguồn cung hạn chế khiến món đồ chơi này bị đội giá lên cao suốt nhiều ngày qua. Như tại cửa hàng pop-up tại trung tâm thương mại ở quận Tây Hồ, chỉ sau hơn một tiếng mở cửa, mặt hàng búp bê Cry Baby đã "cháy hàng". Nhân viên liên tục vào kho kiểm tra nhưng không còn sản phẩm để bày bán.

Nguyễn Ngọc Trâm (quận Nam Từ Liêm) cho biết, nhà cô cách trung tâm thương mại này khoảng 20km. Cô phải dậy rất sớm để kịp tới đây trước giờ mở cửa để tăng khả năng mua được món đồ chơi yêu thích. Trước đây, cô chủ yếu mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng từ khi Hà Nội có các đợt mở cửa hàng pop-up, cô quyết định đến tận nơi để săn món đồ chơi secret (bí mật) và giao dịch trực tiếp với khách hàng ngay tại đây.

Đã vài lần mua hàng tại hàng pop-up, Trâm bảo, kinh nghiệm được cô rút ra là phải đến càng sớm càng tốt. Lần này, cô xếp hàng 2 lượt mà chỉ mua được 3 hộp với giá 490.000 đồng/hộp.

Theo quy định tại cửa hàng, mỗi khách chỉ được phép mua tối đa 2 sản phẩm Labubu hoặc Crybaby trong một lượt vào quầy. Việc này nhằm kiểm soát số lượng và đảm bảo cơ hội mua sắm công bằng cho tất cả mọi người. Nếu muốn sở hữu một thùng đồ chơi nguyên tem gồm 6 hộp, khách hàng cần chi thêm 500.000 đồng mua các sản phẩm khác tại quầy hoặc dẫn theo 3 người đi cùng để đủ điều kiện mua.

Do vậy, nhiều người sẵn sàng chen lấn, xếp hàng để chọn lựa các mẫu đồ chơi độc đáo nhằm bán lại với giá chênh lệch từ 2 - 3 lần. Ví dụ, búp bê Crybaby phiên bản thỏ hồng hay gấu nâu có giá 490.000 đồng tại cửa hàng, nhưng trên các hội nhóm đồ chơi nghệ thuật, nhiều người rao bán với giá từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi hộp.

Đặc biệt, các mẫu đồ chơi Labubu, Crybaby phiên bản giới hạn theo mùa hoặc hộp bí mật (secret box), có tỷ lệ trúng chỉ khoảng 1/170, đang được bán lại tại các trung tâm thương mại với mức giá vọt lên vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mỗi món. Mẫu càng hiếm, giá càng cao.

Tuy nhiên, nhiều người bán hàng cho biết, giá trị của đồ chơi nghệ thuật này thường thay đổi thất thường. Khi một món đồ chơi mới, độc đáo xuất hiện, sản phẩm cũ lập tức giảm giá, thậm chí xuống dưới giá gốc.

Thực tế ghi nhận, Labubu là phiên bản “hộp mù” gây sốt đầu tiên, nhưng đến nay đã rơi vào tình trạng ế ẩm. Labubu ít được chú ý khi Baby Three xuất hiện. Tới phiên bản Crybaby được đưa ra thị trường, phiên bản Labubu dù giảm giá vẫn không có mấy người mua.

Hàng dài bạn trẻ chờ vào mua Crybaby (Ảnh: Tiến Bùi/Dân Trí)

 

Nhắm đến xu hướng “cuồng” mua sắm

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, “hộp mù” đang rất được lòng giới trẻ nhờ chiến lược marketing thông minh, khai thác tâm lý tiêu dùng của người mua. Các nhà bán lẻ thường áp dụng những chiêu thức như tạo sự độc đáo, bất ngờ và đánh vào yếu tố cảm xúc để kích thích khách hàng chi tiêu.

PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá, rất nhiều sản phẩm nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ, vì nhóm này có xu hướng “cuồng” mua sắm và coi việc mua hàng là cách giải tỏa tâm lý, không nhất thiết để sử dụng sản phẩm. Vì thế, giá của những món hàng này thường cao hơn giá trị thực tế, nhưng người bán lại lý giải rằng họ đang bán “trải nghiệm” và “cảm xúc”, chứ không phải giá trị sản phẩm. Đây là một chiến lược marketing của thị trường.

Nguyễn Hồng Anh (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chi gần 10 triệu đồng trong tháng vừa qua để sưu tập Baby Three. Cô chia sẻ, bản thân biết đến Baby Three qua những video trên Tiktok và bị thu hút bởi vẻ ngoài đáng yêu của chúng. Cô sưu tập theo nhiều hình thức khác nhau, từ mua trực tiếp tại cửa hàng, trên đường phố cho đến qua livestream, sàn thương mại điện tử... Thấy nhân vật nào dễ thương là cô mua. Hiện tại, cô sở hữu 23 nhân vật với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau.

Tương tự, Phạm Hải Đăng (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh sẵn sàng chi tiền cho trải nghiệm mà không quá quan tâm đến giá cả hay công năng của sản phẩm, miễn là vui. Điều quan trọng là cảm giác hồi hộp khi mở hộp để xem mình có trúng được nhân vật yêu thích hay không. Nhiều khi anh cảm thấy như bị “nghiện” vậy.

Chị Nguyễn Yến Linh - người bán Baby Three trên nền tảng Tiktok cho hay, mỗi tháng chị có thể lãi từ 15 - 18 triệu đồng từ việc kinh doanh mặt hàng này. Có những khách hàng không trúng nhân vật mình thích, nhưng với sự động viên từ người khác, họ sẵn sàng mua tiếp tục cho đến khi trúng.

Trước tình trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên các bạn trẻ cần nâng cao khả năng tư duy tài chính để luôn tỉnh táo trước những chiêu thức thao túng tâm lý của người bán hàng. Điều này giúp họ xác định đúng nhu cầu thực tế và biết cách quản lý tài chính hợp lý, tránh rơi vào áp lực tài chính chỉ vì vài phút thỏa mãn với món hàng "hộp mù" hay "túi mù".