Theo kế hoạch, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (3/10).
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần trước ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu Brent “lao dốc” xấp xỉ 3%, xuống dưới 72 USD/thùng, trong khi dầu WTI “trượt dốc” gần 5%, rời xa mức 70 USD/thùng.
Sang tuần này, sau khi gần như đi ngang ở phiên giao dịch đầu tuần (ngày 30/9), giá dầu thế giới bật tăng khoảng 3% ở phiên giao dịch ngày 1/10. Nguyên nhân tăng được các chuyên gia đánh giá là do Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào Israel để trả đũa chiến dịch của Israel chống lại đồng minh Hezbollah của Tehran ở Lebanon.
Đầu phiên giao dịch ngày 2/10, giá dầu thế giới tiếp tục tăng do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông và tồn kho dầu của Mỹ giảm. Dữ liệu từ Oilprice ghi nhận lúc 8h07 ngày 2/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mốc 74,52 USD/thùng, so với phiên liền trước tăng 1,31%. Còn giá dầu WTI ở mức 70,84 USD/thùng, so với phiên liền trước tăng 1,45%.
Trong khi đó, giá xăng thành phẩm bình quân tại thị trường Singapore trong kỳ vừa qua giảm khá mạnh so với kỳ trước đó. Ngày 1/10, giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường Singapore về mức 79,71 USD/thùng với xăng RON 95, giảm hơn 5 USD/thùng so với kỳ điều hành trước (ngày 24/9). Giá xăng RON 92 ở mức 73,6 USD/thùng, giảm gần 7 USD/thùng.
Trước diễn biến giá xăng dầu trên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm mạnh trong kỳ điều hành này.
Cụ thể, giá xăng có thể giảm khoảng 850 - 950 đồng/lít. Còn dầu diesel dự kiến giảm nhẹ hơn khoảng 250 - 300 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 19 lần, giảm 20 lần.
Ở kỳ điều hành trước (ngày 26/9), liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng 750 đồng/lít với xăng RON 95, lên 20.510 đồng/lít. Còn xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít lên 19.620 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 460 đồng/lít, lên 17.500 đồng/lít, dầu hỏa tăng 320 đồng/lít, lên mức 17.870 đồng/lít. Dầu mazut cũng tăng lên 15.350 đồng/kg.
Nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, mới đây Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã cho ra mắt ứng dụng (app) mua xăng dầu dành cho khách hàng cá nhân với tên gọi “PVOIL 4U”. Với ứng dụng này, PVOil hợp tác với Ngân hàng HDBank cho phép khách hàng “Đổ xăng trước - trả tiền sau”, hạn mức được cấp tối đa lên đến 1 triệu đồng/khách hàng.
Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil chia sẻ, sáng ra một số khách hàng thường không có nhiều tiền mặt, nhất là các tài xế chạy dịch vụ. Nếu phải đổ xăng, họ chỉ đổ rón rén, tiết kiệm như xe máy đổ 1 lít, ô tô thì 100 - 200 nghìn đồng. Đến giữa ngày có tiền, họ mới quay lại cây xăng để đổ thêm. Như thế sẽ rất bất tiện! Do đó, doanh nghiệp đã cho ra mắt ứng dụng để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.
Với ứng dụng này, 15 ngày sau, tài xế mới phải hoàn trả khoản tiền đổ xăng và không mất khoản phí nào cả. Việc này giải quyết các câu chuyện tài xế không phải lo trong túi có bao nhiêu tiền.
Trước câu hỏi khách hàng có thể bùng tiền, ông Cao Hoài Dương cho rằng, doanh nghiệp đánh giá rủi ro của việc này là không quá nhiều. Thứ nhất, số tiền không phải lớn. Thứ hai, thời gian trả ngắn nhất là 15 ngày, dài nhất 45 ngày. Khách hàng cũng không thể quên được vì app nhắc khách hàng liên tục, trừ khi cố tình quên. Tính năng này mục tiêu hướng đến các bác tài chạy dịch vụ, vậy có đáng để bùng 1 triệu, rồi bị hãng ngắt kết nối, mất “cầu câu cơm”.
Lãnh đạo PVOil cũng cho hay, ứng dụng này mới chỉ áp dụng để mua xăng dầu tại gần 900 cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp này và COMECO trên cả nước, chưa triển khai ở các đơn vị nhượng quyền.