Nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới "để người dân không phải đi Hà Nội hay TP. HCM mới có thể được điều trị"

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, cần có chính sách để các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, "để người dân không phải đi Hà Nội hay TP. HCM mới có thể được điều trị".

Quyền lợi của người bệnh, nhưng áp lực với Quỹ BHYT

Gần 5 năm qua, ông N.Q.H (57 tuổi, sống tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận) đều đặn lái xe gần 200km mỗi tuần để vào TP. HCM khám bệnh. Ông cho biết, hầu hết người dân Bình Thuận có điều kiện đều lựa chọn TP. HCM để khám chữa bệnh. Tuy nhiên quá trình đi khám bệnh, ông thấy ngay cả những người không đủ khả năng khám chữa bệnh trái tuyến như ông đều mong muốn đến các bệnh viện tuyến cuối lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Không chỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tại nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện Bình Dân, Viện Tim... người dân cũng thường đến xếp hàng lấy số khám bệnh từ rất sớm (3 - 4h sáng), thậm chí có khi từ nửa đêm.

Người dân chọn các bệnh viện lớn để yên tâm về chất lượng khám, chữa bệnh

Với những người từ ngoại tỉnh, đều phải đi xe khách xuyên đêm đến thành phố. Kể cả khi không có bệnh tình nghiêm trọng, không cần vượt đường sá xa xôi đến TP. HCM, nhiều người vẫn chấp nhận khám trái tuyến tại các bệnh viện lớn để đổi lại sự yên tâm về chất lượng khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn mong muốn khi lên khám tại các bệnh viện lớn, vẫn có thể sử dụng bảo hiểm y tế để giảm bớt phần nào chi phí. Để hiện thực hóa chủ trương xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ thủ tục giấy chuyển viện. Khi đó, người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì họ sẽ có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn, có thể khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà không gặp phải rào cản địa lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nhu cầu của người bệnh là muốn lên tuyến trên để được khám bởi bác sĩ giỏi hơn, dùng thuốc BHYT "chất lượng" hơn, trong khi các bệnh viện tuyến dưới muốn giữ bệnh nhân lại vì quy định và cả nguồn thu. Chính "xung đột lợi ích" này là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, bức xúc và sự mệt mỏi mà bệnh nhân phải đối mặt khi xin giấy chuyển viện.

Nhiều bệnh nhân chia sẻ, đây cũng là lý do họ rất ủng hộ đề xuất bỏ giấy chuyển viện. Việc bỏ giấy chuyển viện cũng đồng nghĩa với việc thông tuyến hoàn toàn, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí vì BHYT sẽ thanh toán tối đa quyền lợi của họ dù khám đúng hay trái tuyến.

Tuy nhiên, đánh đổi quyền lợi của người bệnh là áp lực lớn đối với Quỹ BHYT. Theo quy định hiện hành, người bệnh dù khám trái tuyến tại các cơ sở y tế tuyến xã hoặc huyện vẫn được hưởng 100% chi phí BHYT. Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên toàn quốc, người bệnh cũng được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú, trong khi tại các bệnh viện tuyến Trung ương chỉ được thanh toán 40%; riêng khám ngoại trú thì không được thanh toán.

Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Chính phủ đề xuất thêm 50% chi phí điều trị ngoại trú cho người bệnh có BHYT khám trái tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh. Chính phủ ước tính với đề xuất này, Quỹ BHYT sẽ phải chi thêm 1.131 tỉ đồng mỗi năm, điều này có thể gây khó khăn trong việc cân đối quỹ nếu không tăng mức đóng BHYT.

Chỉ riêng việc bổ sung 50% chi phí điều trị ngoại trú cho người khám trái tuyến tại các cơ sở tuyến tỉnh đã tạo ra gánh nặng lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm cho Quỹ BHYT. Nếu thực hiện việc bỏ giấy chuyển viện, tức là bổ sung thêm 50% chi phí ngoại trú khi khám trái tuyến ở cấp tỉnh, 60% chi phí nội trú và 100% chi phí ngoại trú khi khám trái tuyến tại tuyến Trung ương, áp lực lên Quỹ BHYT sẽ gia tăng đáng kể.

Cần phải đầu tư mạnh vào y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương

Nâng cấp y tế cơ sở, phát triển bác sĩ gia đình

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần phải đầu tư mạnh vào y tế cơ sở. Khi tuyến dưới tốt, người bệnh tự khắc sẽ tìm đến khám. “Một người nói, mười người nghe, người bệnh sẽ không muốn lên tuyến trên nếu tuyến dưới đã đủ tốt", bà Lan nhấn mạnh.

Điều này cũng được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định trong các lần giải trình về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại kỳ họp Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh kịp thời, cần có chính sách để các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, "để người dân không phải đi Hà Nội hay TP. HCM mới có thể được điều trị".

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay, y tế cơ sở hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn như đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn. Các bác sĩ, nhân viên y tế cũng gặp khó khăn trong việc làm việc tại tuyến dưới vì thu nhập thấp, thiếu cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân và nâng cao tay nghề.

Hơn nữa, danh mục thuốc được BHYT thanh toán cũng bị phân cấp theo tuyến, khiến những loại thuốc đặc trị, có giá trị cao thường chỉ có ở tuyến trên. Bà Lan nhấn mạnh, thực tế này không chỉ khiến bệnh nhân mà cả y bác sĩ cũng muốn chuyển lên tuyến trên để được làm việc trong điều kiện tốt hơn.

Theo bà, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào y tế cơ sở. Một giải pháp có thể là cấp phụ cấp đặc biệt cho bác sĩ và nhân viên y tế ở các trạm y tế để thu hút những người giỏi về làm việc. Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi trong chính sách thuốc BHYT để bệnh nhân ở tuyến cơ sở được tiếp cận đầy đủ hơn, không thể chỉ cấp các loại thuốc cơ bản như vitamin.

Một giải pháp quan trọng nữa là phát triển mạnh mẽ mô hình bác sĩ gia đình, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Khi có bác sĩ gia đình phụ trách, người dân sẽ không còn phải lên tuyến trên để điều trị những bệnh thông thường và chi phí này có thể được BHYT chi trả.

Ngoài bác sĩ gia đình, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để y tế cơ sở phát triển và thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, cần có sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức cơ sở y tế và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Bà Trân đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc các cơ sở y tế như trung tâm chẩn đoán hình ảnh, nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm, cấp cứu và vận chuyển người bệnh có thể tham gia vào hệ thống BHYT, đặc biệt là ở các tuyến dưới và cơ sở.