Tòa nhà tai tiếng TP. HCM bị cơ quan điều tra yêu cầu định giá tài sản

Sài Gòn One Tower trước kia là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất tại TP. HCM và kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của thành phố. Tuy nhiên sau nhiều năm “bất động”, dự án đang được cơ quan điều ra yêu cầu định giá.

Theo yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, mới đây, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ TN&MT đã có văn bản mời tư vấn xác định giá quyền sử dụng đất và giá trị của dự án Sài Gòn One Tower tại khu đất số 34 Tôn Đức Thắng (Q. 1, TP. HCM).

Theo đó, giá trị quyền sử dụng 6.342m² đất tại dự án Sài Gòn One Tower số 34 Tôn Đức Thắng được xác định tại 5 thời điểm, bao gồm: thời điểm góp vốn ngày 31/3/2004; thời điểm ngày 5/6/2006 thu hồi đất, cho thuê đất; ngày 31/12/2008 là thời điểm chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất sang giao đất, cho thuê đất; ngày 22/6/2015 và ngày 12/9/2023 là 2 thời điểm thoái vốn 30% vốn Nhà nước của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tại Công ty CP Địa ốc M&C.

Theo yêu cầu định giá tài sản của Cơ quan CSĐT, gói thầu Tư vấn xác định giá quyền sử dụng đất và giá trị dự án Sài Gòn One Tower tại khu đất số 34 Tôn Đức Thắng (Q. 1, TP. HCM) sẽ được Hội đồng định giá tài sản tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực thực hiện.

Dự án Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa bậc nhất TP. HCM (Ảnh: Đình Sơn - Thanh niên)

Địa điểm nhận hồ sơ tham gia định giá tài sản nói trên là Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT).

Dự án Sài Gòn One Tower nằm trên “đất vàng” trung tâm Q. 1, thuộc giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi ngay bên sông Sài Gòn. Với vị trí đắc địa này, dự án được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM.

Tòa nhà có chiều cao thiết kế 41 tầng tương đương 195m. Tại thời điểm xây dựng, tòa nhà này đứng Top 3 tòa nhà cao nhất TP. HCM sau Bitexco Financial Tower, Vietcombank Tower (khi chưa có Landmark 81) và đứng trong Top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng (256 triệu USD) và được khởi công vào năm 2007, chủ đầu tư là Công ty CP Sài Gòn One Tower (thuộc liên doanh của Công ty CP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ).

Sài Gòn One Tower dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2009 nhưng từ năm 2011 khi đã hoàn thiện 80% phần thô thì dự án ngừng thi công.

Trước đó, lãnh đạo TP. HCM đã từng điểm danh và lên tiếng chỉ trích đây là tòa nhà làm xấu xí bộ mặt TP. HCM.

Đầu năm 2022, dự án được Công ty CP Đầu tư - Phát triển Viva Land mua lại và thay mới lớp kính bên ngoài tòa nhà. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng dự án sắp sửa hồi sinh. Thế nhưng, theo thông tin từ đại diện Sở Xây dựng TP. HCM, chủ đầu tư chỉ được phép thay thế lớp kính đã xuống cấp để đảm bảo an toàn cũng như cải thiện diện mạo đô thị. Còn các hạng mục khác không được thực hiện, vẫn phải chờ kết luận từ Thanh tra Chính phủ và giấy phép xây dựng.

Dự án từng bị lãnh đạo TP.HCM chỉ trích vì làm xấu bộ mặt thành phố (Ảnh: Duy Quang - Tiền Phong)

Được biết, toàn bộ dự án từng là tài sản thế chấp cho khoản vay tín dụng tính cả gốc và lãi đến năm 2017 hơn 7.000 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB và DongA Bank. Đây là khoản nợ xấu, thuộc một vụ án hình sự và đã được Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thu giữ năm 2017.

Từ đó đến nay, dự án này trải qua nhiều sóng gió. VAMC từng công bố năm 2019 sẽ đem đấu giá Sài Gòn One Tower với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Đầu tháng 7/2019, với tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản, Phạm Thanh Dũng (SN 1970, nguyên Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn One Tower) đã bị TAND TPHCM tuyên phạt 12 năm tù.

Theo tìm hiểu Viva Land là thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi bà Trương Mỹ Lan vướng vào vòng lao lý, số phận dự án Sài Gòn One Tower lại tiếp tục chịu cảnh “long đong lận đận”.