VKSND thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Minh Huệ (trú tại Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Huệ không có khả năng mua được ngoại tệ giá rẻ từ các ngân hàng nhưng vẫn tự giới thiệu với các nạn nhân là có mối quan hệ với các ngân hàng thương mại, được ưu tiên mua USD với tỷ giá của ngân hàng, sau đó bán ra thị trường tự do sẽ hưởng lợi nhuận cao.
Nhiều “đại gia” mất tiền
Cáo trạng xác định, để tạo dựng niềm tin, Huệ đã vào các trang tỷ giá của các ngân hàng sau đó liên hệ đến cửa hàng vàng bạc trên phố Hà Trung (Hà Nội) để hỏi tỷ giá USD ngoài thị trường tự do. Dựa vào 2 số liệu này, Huệ đã đưa ra mức giá với 3 bị hại là người quen, thấp hơn so với thị trường tự do nhưng lại cao hơn ngân hàng.
Phần cao hơn này được Huệ giải thích là “chi phí tiền hoa hồng” khi mua USD tại ngân hàng thương mại. Để các bị hại tin tưởng, sau nhận được tiền "góp vốn làm ăn", Huệ chuyển lại 1 phần cho các bị hại gọi là “lãi”, còn lại phần lớn thì chiếm đoạt chi tiêu cá nhân.
Sau khi tin tưởng vào quy trình làm ăn của Huệ, các bị hại liên tục “hùn vốn” để Huệ mua bán USD hưởng chênh lệch. Viện kiểm sát xác định, trong 4 tháng cuối năm 2022, Huệ đã huy động được tổng 140 tỉ đồng của 3 bị hại, người nhiều nhất lên tới 94,6 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Huệ thừa nhận hành vi, khai đăng ký sử dụng 11 tài khoản ngân hàng cùng đứng tên mình để nhận và chuyển tiền cho các bị hại.
Phương thức là Huệ đến các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội để rút tiền. Khi đến ngân hàng sẽ gặp và đặt vấn đề với những người có nhu cầu chuyển tiền vào tài khoản, doanh nghiệp nộp tiền vào tài khoản để làm ăn giao dịch, trả lương…. Huệ sẽ thỏa thuận nhận tiền mặt từ những người này và chuyển khoản trực tiếp cho họ.
Huệ khai không biết những người này là ai, không có quan hệ với họ, không nhớ đã giao dịch ở ngân hàng nào. Do làm ăn thua lỗ nên đã sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã sao kê và ngăn chặn giao dịch với các tài khoản Huệ chuyển tiền đến. Đồng thời, ngăn chặn giao dịch với 2 căn hộ chung cư, xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 cùng nhiều tài sản giá trị khác.
Nạn nhân cũng có thể bị xử phạt
Đối với hành vi mua bán USD của Huệ và Đào Tiến Hùng – chủ cửa hàng vàng Hùng Thúy, Vũ Tài Minh – chủ cửa hàng vàng Chiến Minh, cùng 3 bị hại đã vi phạm Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cơ quan điều tra có công văn kiến nghị và chuyển phần tài liệu có liên quan đến Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Cầu Giấy để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, theo quy định, người dân chỉ được mua – bán USD tại các tổ chức tín dụng, điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép. Ngoài các điểm này đều được liệt vào là “chợ đen”.
Theo đó, hành động mua đi bán lại USD nhằm hưởng tiền chênh lệch ở thị trường “chợ đen” là vi phạm pháp luật, gây ra hệ lụy đe dọa quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, thậm chí tác động tiêu cực đến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tại một cuộc họp liên quan đến NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, hoạt động mua bán, trao đổi tại thị trường “chợ đen” là phi chính thức, không được pháp luật thừa nhận. Vì vậy, mọi giao dịch mua bán USD tại đây đều là trái pháp luật, không được NHNN cấp phép. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm giao dịch là hợp pháp, hợp lệ.
Nói về những rủi ro khi giao dịch USD trên thị trường chợ đen, luật sư Hoàng Lê (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tùy vào giá trị trao đổi mà người giao dịch có thể bị phạt lên tới 100 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số tiền trao đổi. Đối với các tổ chức kinh doanh không được cấp phép có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng.
Ngoài ra, người mua bán có thể chịu rủi ro liên quan đến tiền giả, hay một số kẻ xấu lợi dụng nhu cầu đổi tiền để thực hiện các hành vi lừa đảo.