Bổn cũ soạn lại, nở rộ chiêu quảng cáo bán iPhone chính hãng giá rẻ trên mạng

Cục An toàn thông tin vừa phát đi thông báo liên quan tới tình hình đảm bảo an ninh mạng trong nước tuần qua. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vào các chiêu trò lừa đảo như quảng cáo bán iPhone chính hãng giá rẻ trên mạng xã hội, đầu tư online, bán vé máy bay giá rẻ…

Với chiêu trò quảng cáo bán iPhone chính hãng giá rẻ trên mạng xã hội, đây không phải là thủ đoạn hoàn toàn mới của các đối tượng, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần có cảnh báo tới người dân, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa nắm vững và có các biện pháp tự bảo vệ bản thân kịp thời.

lua-dao-ban-iphone-gia-re-1710743539.jpg
Chiêu lừa đảo bán iPhone giá rẻ qua mạng đã xuất hiện từ lâu nhưng đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), mới đây cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Tĩnh đang mở rộng điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức quảng cáo bán điện thoại di động iPhone chính hãng giá rẻ thông qua mạng xã hội. Theo đó, các đối tượng quảng cáo bán iPhone chính hãng, nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá từ 6.990.000 đồng đến 7.590.000 đồng trên Facebook. Khi người dùng bị hấp dẫn và để lại thông tin liên lạc gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, trao đổi thông tin về mẫu máy để mua, các đối tượng sẽ liên hệ lại thông qua các số điện thoại Rác, Zalo không chính chủ để tư vấn bán hàng. Sau khi thống nhất thỏa thuận, chúng sẽ gửi hàng cho khách thông qua dịch vụ giao hàng thu hộ (ship COD), yêu cầu phải thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng rồi mới được nhận để kiểm tra. Thực tế, điện thoại được giao tới tay khách hàng chỉ là loại giả, có bên ngoài giống với iPhone, tuy nhiên khi khách hàng tiến hành cài đặt mới có thể phát hiện được. Lúc này, nhân viên thu hàng hộ đã rời đi, tiền cũng đã được chuyển cho các đối tượng, khách hàng không thể lấy lại số tiền đã giao.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân nên tìm đến những cơ sở uy tín, chất lượng, được xác minh rõ ràng để mua các thiết bị di động khi có nhu cầu, không nên mua trên các nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

Cục khuyến cáo, người dân chỉ thực hiện giao dịch thanh toán khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Khi đọc đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm cũng phải rất tỉnh táo vì có thể đây chỉ là những đánh giá “mồi” của các đối tượng sắp đặt. 

Liên quan đến quyền lợi của bản thân, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành cho từng loại sản phẩm mà mình dự định mua, xác nhận với người bán hàng, cơ sở sản xuất để tránh những phát sinh không đáng có về sau.

Một số thủ đoạn lừa đảo mạng khác cũng vừa được Cục An toàn thông tin cảnh báo tới người dân bao gồm việc lừa đảo bán vé máy bay trên Facebook để chiếm đoạt tài sản, chiêu trò việc nhẹ lương cao, giả danh cán bộ công an đê lừa đảo, dụ đầu tư online,… đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại với nhiều vụ việc lừa đảo có giá trị lên tới hàng tỷ đồng thời gian gần đây. Đơn cử, việc bà T (SN 1965, Tây Hồ, Hà Nội) đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho một đối tượng giả mạo công an nhân dân sau khi nhận cuộc gọi video call yêu cầu chuyển tiền để xác minh vụ án có liên quan.

lua-dao-cong-an-1710743725.jpg
Môi trường xã hội ngày càng phức tạp, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác để tự bảo vệ mình.

Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, môi trường trên không gian đang ngày càng trở nên phức tạp, để phòng tránh các tình trạng lừa đảo kể trên tái diễn, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.

Với những người dân có nhu cầu đầu tư, chỉ nên tin tưởng vào các nền tảng, sàn giao dịch uy tín được xác thực, được cấp phép bởi Nhà nước, tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường; cần tìm hiểu về các đối tác, công ty quản trị trước khi đầu tư, đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư… Người dân cũng có thể tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh.