Lễ hội là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Thế nhưng bao năm qua, hoạt động tổ chức lễ hội tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức như việc kiểm soát buôn bán tại lễ hội, an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường… Những hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra tràn lan tại các khu vực tổ chức lễ hội đã phần nào làm mất đi không gian tâm linh, dẫn đến việc giảm sút giá trị văn hóa và tinh thần.
Nhất là tình trạng mê tín dị đoan vẫn còn tại nhiều lễ hội dưới các hình thức như thắp hương cúng bái quá mức, đốt vàng mã tràn lan, xin xăm, cầu phúc một cách mù quáng, hay thậm chí lợi dụng lễ hội để buôn bán bùa chú, thỉnh lộc…
Cùng với đó, tình trạng xoa tay, nhét tiền lẻ vào tượng Phật, thậm chí rải tiền lẻ khắp nơi để cầu mong sự che chở từ thần linh đã biến nhiều lễ hội trở nên hỗn loạn và mất đi sự tôn nghiêm. Một số người còn thuê thầy bói, thầy cúng ngay tại lễ hội để làm lễ giải hạn, cầu tài cầu lộc, dẫn đến lãng phí tiền bạc.
Đơn cử như, hàng năm tại lễ hội đền Trần, người dân vẫn chen lấn, giành giật ấn hay các vật phẩm khác với suy nghĩ mang lại may mắn, tài lộc. Hay thực tế ghi nhận, vào tháng 3 năm nay, tại chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Công an huyện Can Lộc ngăn chặn một nhóm người có hoạt động trái với tín ngưỡng Phật giáo.
Theo đó, một số du khách đến từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi hành lễ cầu an tại Điện Tam Thế của chùa đã lợi dụng thực hiện một số hoạt động mang tính mê tín dị đoan, nhập đồng la hét, những người xung quanh quỳ lạy... Phát hiện sự việc, Ban quản lý chùa Hương Tích và Công an huyện Can Lộc đã nhanh mời nhóm người này về làm việc, tuyên tuyền giải thích và buộc cam kết không được tái diễn hoạt động tương tự tại khu vực chùa.
Dù chưa vào cao điểm lễ hội mùa xuân, nhưng mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa cơ sở tại địa phương.
Bộ yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, tổ chức lễ hội trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước.
Phải kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Trong văn bản mới gửi đi này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư nhưng chưa được sử dụng để tổ chức hoặc chưa phát huy hết công năng sử dụng hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhắc các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Đồng thời tiếp tục phát triển phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực.