Lừa chuyển cọc nhiều lần
Thời gian qua, thủ đoạn giả mạo các trang fanpage Facebook với tên gọi giống resort lớn tại những điểm du lịch nổi tiếng để lừa tiền cọc đặt phòng vẫn diễn biến phức tạp. Dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng, nhưng vẫn có không ít du khách chủ quan, tiếp tục trao đổi thông tin và đặt phòng qua các trang Facebook mang tên resort. Bên cạnh đó, các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý du khách khiến họ dễ dàng mắc lừa.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu trò rất tinh vi để khiến nạn nhân mắc bẫy. Chúng tạo ra các trang Facebook giả mạo mang tên các resort nổi tiếng, được khách hàng ưa chuộng và tin tưởng. Để làm tăng lòng tin của khách hàng, những kẻ lừa đảo sao chép giao diện, hình ảnh và thông tin từ trang chính thức của resort, chỉnh sửa giấy phép kinh doanh sao cho tên trên giấy phép trùng khớp với tên tài khoản nhận tiền của chúng.
Thậm chí, chúng còn chi tiền chạy quảng cáo trên Facebook để tiếp cận khách hàng, mỗi trang giả này có hàng chục nghìn người theo dõi. Theo ghi nhận từ một trang giả mạo của resort ở Phan Thiết (Bình Thuận) mang tên "Le.V Resort", sau khi giới thiệu các phòng đẹp với giá thuê rẻ hơn 30 - 40% so với giá thực tế, khách hàng sẽ bị dụ chuyển khoản theo một nội dung phức tạp với nhiều ký tự, số và chữ.
Chị N.T.N (TP. HCM) đặt phòng cho chuyến du lịch với gia đình qua fanpage này. Sau khi đồng ý với giá cả, chị được yêu cầu chuyển khoản 1 triệu đồng làm tiền cọc kèm nội dung phức tạp. Khi chị vừa chuyển khoản xong, fanpage giả mạo lại thông báo chị đã chuyển sai ký tự và yêu cầu chị phải chuyển thêm tiền để hoàn tất thủ tục. Thay vì chỉ cần trả 1 triệu đồng, chị Ng. đã phải chuyển tổng cộng 8 triệu đồng mới nhận ra mình bị lừa.
Tương tự, chị L.B.N (TP. HCM) cũng bị lừa khi đặt phòng trên fanpage "Le.V Mui Ne Resort" cho 2 đêm với giá 5,2 triệu đồng. Để tạo lòng tin, đối tượng giảm giá cho chị L.B.N còn 4,1 triệu đồng và yêu cầu chuyển cọc 30%, tương đương 1,248 triệu đồng với nội dung "TT XE BK 4142O24H".
Chị A.P (quận 5, TP. HCM) cũng kể lại trải nghiệm bị lừa đảo khi đặt phòng và chuyển cọc qua thông tin trên Facebook. Chị P. bảo đã đi du lịch nhiều nơi, đặt phòng tại nhiều khách sạn, resort trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên chị bị lừa.
Theo đó, chị lên mạng, tìm thấy một trang Facebook của L.V resort tại Phan Thiết có lượt tương tác cao. Chị nhắn tin hỏi thêm về các loại phòng, người quản lý trang cũng cung cấp thông tin rõ ràng, còn gửi kèm hình ảnh khiến chị không nghi ngờ gì.
Sau khi thống nhất ngày và số lượng phòng, chị nhận được "Phiếu xác nhận đặt phòng" với thông tin rõ ràng và yêu cầu chuyển cọc 50% để giữ phòng. Tin tưởng, chị đã chuyển khoản tiền cọc theo số tài khoản được cung cấp. Giao dịch vừa hoàn thành, chị P. nhắn tin vào trang để thông báo thì phát hiện đã bị chặn tin nhắn. Lúc này, chị mới biết mình đã bị lừa.
Đe dọa đánh sập website
Không chỉ tại Phan Thiết, tình trạng giả mạo Fanpage khách sạn để lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc phòng cũng đang xảy ra tại nhiều thành phố du lịch khác như Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Mới đây, Premier Pear Hotel tại Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trình báo cơ quan chức năng về việc một số trang mạng xã hội giả mạo khách sạn để bán phòng cho du khách. Sau khi khách hoàn tất thanh toán, các trang giả mạo này đã chặn mọi liên lạc. Theo thông tin từ du khách, đã có 7 trường hợp bị lừa, trong đó có người chuyển gần 100 triệu đồng.
Trước đó, Carmelina Beach Resort ở Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã gặp phải tình trạng tương tự khi một Fanpage giả mạo sao chép hình ảnh của resort rồi nhận đặt phòng. Khách sạn Vias Vũng Tàu cũng liên tục nhận phản ánh từ du khách về việc bị lừa khi đặt phòng qua mạng xã hội hoặc website giả. Khi khách sạn Vias liên hệ với nhóm người này qua số điện thoại của khách hàng, họ đã bị dọa đánh sập website của khách sạn.
Bà Nguyễn Mộng Tường Ny - Phó Giám đốc điều hành khách sạn Havana Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, doanh nghiệp đã phát hiện và báo cáo 5 trang Fanpage giả mạo khách sạn để lừa đảo. Sau đó, cơ quan chức năng đã hỗ trợ gỡ bỏ các trang này. Tuy nhiên, ngày 20/11 vừa qua, khách sạn lại phát hiện thêm 2 trang giả mạo mới.
Chị Phương - nhân viên một công ty du lịch ở Mũi Né (Bình Thuận) cho biết, tình trạng giả mạo các trang Facebook của resort để lừa tiền cọc vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu giảm. Các đối tượng lừa đảo hiện nay còn tinh vi hơn khi sử dụng tính năng đặt nickname tự chọn trên tài khoản ngân hàng, tạo tên tài khoản giống với tên resort để du khách tin tưởng, rồi chuyển tiền.
Chị Phương chia sẻ, nhiều du khách sau khi chuyển cọc nghĩ rằng mình đã đặt phòng thành công, nhưng khi đến resort vào ngày đi, họ mới ngỡ ngàng phát hiện mình bị lừa qua các trang giả mạo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chuyến du lịch của du khách mà còn làm xấu hình ảnh của thành phố du lịch. Do đó, chị mong cơ quan chức năng sớm có chế tài mạnh tay hơn để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.
Chị Phương khuyến cáo, hiện sắp vào mùa đông khách cuối năm hay còn gọi là mùa "trú đông" và kéo dài qua Tết, nhu cầu đặt phòng resort cho kỳ nghỉ và du xuân sẽ rất cao. Do đó, du khách cần thận trọng hơn khi tìm kiếm kênh đặt phòng, nên kiểm tra số điện thoại của resort trên website chính thức hoặc sử dụng ứng dụng đặt phòng uy tín, hoặc liên hệ qua các công ty lữ hành.
Trong khi đó, anh N.Đ - một quản lý resort ở TP. Phan Thiết cho biết, để phân biệt các fanpage thật và giả của các resort, khách hàng nên kiểm tra phần giới thiệu của trang. Thường thì các trang giả mới được lập trong vài tháng, thường xuyên thay đổi tên, và vị trí truy cập không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể từ các quốc gia khác như Campuchia, Philippines.