Mức sinh thấp nhất trong lịch sử, Việt Nam cần những chính sách thiết thực dài hơi hơn

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực dân số cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ không thể tạo ra động lực để họ sinh thêm con. Hỗ trợ phải thiết thực lâu dài, cần phải giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Mức sinh có thể còn tiếp tục giảm

Ngày 10/12, trong buổi lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, công tác dân số đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Nhiều vấn đề dân số phát sinh hiện nay đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Cụ thể, việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự ổn định, xuất hiện xu hướng mức sinh giảm xuống thấp. Năm 2023, mức sinh ước tính chỉ đạt 1,96 con/phụ nữ - mức thấp nhất trong lịch sử và có thể còn tiếp tục giảm trong những năm tới.

ty-le-sinh-thap-1-1733904487.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số

Cùng với đó, tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng còn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái). Quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Trong khi đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực và chất lượng cuộc sống vẫn cần có những cải thiện đáng kể.

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định và thiếu sự đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.

Ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ, kết quả nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và UNFPA cho thấy, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "dân số vàng", nghĩa là mỗi người phụ thuộc được hỗ trợ bởi 2 người trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên, tốc độ giá hóa dân số của Việt Nam đang nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và sẽ là xã hội siêu già vào năm 2049.

Sự chuyển đổi từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ có tác động sâu rộng. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi dân số này ngay từ bây giờ. Các giải pháp cần thiết bao gồm tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững, tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động và đầu tư vào y tế và giáo dục.

Không ai vì 1 - 3 triệu mà sinh con

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó tập trung điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đẻ tại các vùng có mức sinh thấp.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, mới chỉ có một số tỉnh như Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu... ban hành nghị quyết về chính sách khen thưởng. Hầu hết các tỉnh thành vẫn chưa có chính sách hỗ trợ để tăng mức sinh tại địa phương.

ty-le-sinh-thap-1733904487.jpg
Nhiều tỉnh, thành phố hiện hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi

Hiện nay, các tỉnh, thành phố hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Riêng tỉnh Hậu Giang hỗ trợ thêm 1 lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo mức giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập, cùng với một lần hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền viện phí.

Dù có chính sách hỗ trợ, mức sinh ở những tỉnh thành này vẫn không có sự gia tăng. Tỷ suất sinh tại Hậu Giang từ năm 2021 đến 2023 vẫn duy trì ở mức 1,83 con.

Mới đây, TP. HCM đã đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ này không có tác động đáng kể đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng.

Trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, GS.TS Giang Thanh Long - chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển tại Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) khẳng định, tiền hỗ trợ này không đủ để các cặp vợ chồng quyết định sinh thêm con. Bởi quyết định này còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như điều kiện kinh tế và xã hội nơi họ sống.

Nếu các cặp vợ chồng có thể tiếp cận được nhà ở, việc làm ổn định, một môi trường sống an toàn và các dịch vụ chăm sóc trẻ, trường học, thì quyết định sinh con sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc dựa vào khoản tiền hỗ trợ nhỏ trong khi còn đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông cũng nhấn mạnh, khuyến khích sinh con không thể làm trực tiếp bằng cách yêu cầu các cặp vợ chồng sinh thêm con, mà cần gián tiếp qua việc cải thiện các điều kiện sống. Theo ông, cần có những chính sách an sinh đầy đủ, hỗ trợ về giáo dục, y tế và đời sống, giúp các cặp vợ chồng nuôi dạy con tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực dân số cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con sẽ không thể tạo ra động lực để họ sinh thêm con. Hỗ trợ phải thiết thực lâu dài, cần phải giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đồng thời, cần xây dựng một môi trường cộng đồng thuận lợi để hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Vị chuyên gia nhận định, mức sinh giảm không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là hiện tượng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam có một khát khao lớn là làm mẹ. Vì vậy, nếu tạo ra các điều kiện tốt nhất để họ có thể sinh con và nuôi dưỡng con cái, mức sinh có thể được cải thiện.