Người lớn tuổi hoang mang khi không bắt kịp các ứng dụng công nghệ hiện đại

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân chia sẻ, hầu hết ứng dụng hiện nay không thân thiện với người cao tuổi, có giao diện không rõ ràng, phông chữ nhỏ, quá nhiều chức năng, nâng cấp liên tục… Để tăng tỷ lệ người cao tuổi sử dụng công nghệ thì cần có những dịch vụ phù hợp hơn.

Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam năm 2021 cho thấy, nước ta có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm đến 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên. Tuy nhiên, phần lớn người dùng thuộc độ tuổi 18 - 34, trong khi tỷ lệ người cao tuổi rất thấp.

Nhiều chuyên gia xã hội học nhận định, nguyên nhân là do khả năng tiếp thu và mong muốn chủ động tìm hiểu của người cao tuổi không kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ ngày nay. Một nghiên cứu mới đây chỉ ra, có khoảng 20% người cao tuổi cảm thấy tự tin và thoải mái trong việc tìm hiểu, sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Số còn lại nói rằng, họ gặp khó chấp nhận và thích ứng với công nghệ mới.

nguoi-gia-ung-dung-1-1727162107.jpg
Chỉ có khoảng 20% người cao tuổi ở nước ta cảm thấy tự tin và thoải mái trong việc tìm hiểu, sử dụng các ứng dụng trực tuyến

Bà Nguyễn Thị Lãi (74 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời gian đầu được con gái mua cho điện thoại thông minh, bà không dùng mà vẫn nghe - gọi bằng điện thoại bàn phím dành cho người cao tuổi. Với bà, điện thoại thông minh khó dùng, không đơn giản chỉ cần nhấn 2 lần là gọi được như điện thoại bàn phím.

Bà Lãi cho biết thêm, thấy tin tức người cao tuổi bị lừa đảo qua điện thoại ngày một nhiều nên bà càng cảm thấy sử dụng điện thoại thông minh là thiếu an toàn và không cần thiết bằng điện thoại bàn phím.

Tuy vậy, sự thiếu chủ động trong việc tiếp cận công nghệ mới này dễ dẫn đến nguy cơ người già càng bị bỏ lại xa hơn trong việc bắt kịp các nền tảng, ứng dụng công nghệ số, dễ dẫn đến việc mất đi cơ hội kết nối với gia đình, cộng đồng trên các nền tảng, ứng dụng. Nhất là khi hiện nay, chính phủ cũng đang tích cực chuyển đổi số trong các hoạt động hành chính công.

Đơn cử như chi trả lương hưu hiện đang dần chuyển từ trực tiếp sang chuyển khoản. Nếu người cao tuổi không bắt kịp công nghệ sẽ rất bối rối. Quá ngày nhận lương hưu hàng tháng mà không thấy tin nhắn của ngân hàng, bà Đỗ Thu Hương (67 tuổi, quận 6, TP. HCM) liên hệ với nhân viên bảo hiểm xã hội quận thì nhận được câu trả lời lương đã chuyển vào tài khoản. Người này khuyên bà kiểm tra số dư trong ứng dụng (app) của ngân hàng thay vì đợi tin nhắn SMS banking. Nghe những thuật ngữ app, SMS banking, bà Hương rất hoang mang vì không hiểu đó là gì.

Bà Hương cho biết, lúc mở tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu, bà nhờ nhân viên tải ứng dụng của ngân hàng, hướng dẫn bà nhập thông tin. Để tăng bảo mật, các ứng dụng thường yêu cầu tạo mật khẩu có nhiều ký tự, gồm chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt khiến bà tạo xong thì không thể ghi nhớ. Bà thường nhập sai mật khẩu nên ứng dụng bị khóa. Muốn có lại mật khẩu, bà phải trực tiếp ra ngân hàng.

Bà không biết kiểm tra biến động số dư ở đâu, cũng không biết chuyển tiền thế nào vì sợ làm sai thao tác, chuyển nhầm cho người khác. Do đó, bà đành chịu mất phí để nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS banking trên điện thoại. Mỗi khi có lương hưu, bà đều tới ngân hàng để rút tiền hoặc nhờ người thân rút giúp ở cây ATM.

nguoi-gia-ung-dung-1727162107.jpg
Nhiều người cao tuổi trực tiếp đến một ngân hàng làm các thủ tục do không quen xài các ứng dụng trực tuyến (Ảnh: Thanh Hoa)

Ngoài lương hưu, chi trả tiền điện, nước cũng được thực hiện online. Hiện vẫn có khá đông người đến hệ thống Winmart, Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động, Co.op Food, Bách Hóa Xanh… đưa tiền mặt để nhờ thanh toán hộ các khoản tiền điện, nước. Ông Trần Văn Mạnh (65 tuổi, quận Bình Tân, TP. HCM) cho hay, ông biết các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử cho phép thanh toán hóa đơn điện, nước nhưng không dám thao tác.

Bởi ông từng nhập sai thông tin nên đã chuyển nhầm vào tài khoản lạ, mất hơn 25 triệu đồng. Ông có tìm hiểu về ứng dụng ví điện tử để thanh toán nhưng thấy rườm rà, phải kết nối ví với tài khoản ngân hàng, chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng về ví điện tử.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân - Trưởng bộ môn ngân hàng, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM chia sẻ, hầu hết ứng dụng hiện nay không thân thiện với người cao tuổi khi có giao diện không rõ ràng, phông chữ nhỏ, quá nhiều chức năng, nâng cấp liên tục… Người cao tuổi thường hạn chế về thị lực, thính giác, khả năng phối hợp tay và mắt nên rất lúng túng khi thao tác trên các ứng dụng.

Để tăng tỷ lệ người cao tuổi sử dụng công nghệ thì cần có những dịch vụ phù hợp, trong đó có các ứng dụng công nghệ thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính cá nhân. Các ngân hàng, tổ chức tài chính nên xem xét, định hình lại chuẩn mực thiết kế công nghệ, chẳng hạn tạo ra phiên bản của ứng dụng ngân hàng dành riêng cho người cao tuổi.

Ngoài ra, các chuyên gia xã hội cũng đánh giá, sự đồng hành, giúp đỡ của gia đình và người thân, nhất là những người đã sử dụng công nghệ, rất cần thiết trong việc xóa bỏ khoảng cách giữa người cao tuổi và công nghệ thông tin, giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu và tự tin hơn trong việc tận dụng được các lợi ích của công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày.