Giải pháp giúp hạn chế xe xăng
Tại hội nghị khoa học về bảo vệ môi trường Hà Nội mới đây, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đã đề xuất áp dụng hệ thống quota cho các xe máy và ô tô chạy xăng đăng ký mới. Giải pháp này nhằm hạn chế việc mua xe xăng và khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.
Theo tiến sĩ Tùng, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, chủ yếu do giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác. Trong đó, ô nhiễm từ xe ô tô và xe máy chạy xăng dầu là nguồn phát thải lớn nhất, yêu cầu những giải pháp cấp bách để giải quyết.
Do đó, đề xuất áp dụng cơ chế bốc thăm hoặc đấu giá để đăng ký xe xăng mới sẽ giúp hạn chế số lượng xe phát thải cao, giảm ô nhiễm bụi. Tiến sĩ Tùng dẫn chứng thành công của Bắc Kinh và Singapore trong việc áp dụng quota cho xe mới, với các chính sách khuyến khích giao thông xanh và phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Những giải pháp này đã giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.
Hiện nay, Hà Nội đang có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để triển khai các giải pháp giảm ô nhiễm không khí và thúc đẩy giao thông xanh. Thứ nhất, theo Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ xây dựng một số Vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông phát thải cao lưu thông trong các khu vực này.
Thứ hai, người dân thủ đô ngày càng quen với xe điện, đồng thời hạ tầng sạc xe điện cũng đang phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ giảm giá trước bạ và các ưu đãi từ doanh nghiệp trong nước sản xuất xe điện đã khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.
Thứ ba, Hà Nội có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các thành phố như Bắc Kinh và Singapore trong việc áp dụng quota và phát triển giao thông xanh. Thứ tư, hạ tầng giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị, cũng đang được phát triển nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển.
Cuối cùng, người dân Hà Nội đã nhận thức rõ về tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chính sách mới. Với những yếu tố này, điều quan trọng còn lại là sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ từ chính quyền thành phố.
Về lộ trình, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo sự đồng thuận. Dựa trên số liệu xe đăng ký mới qua các năm, chính quyền cần tính toán mức quota hợp lý trong năm đầu tiên và xây dựng lộ trình giảm dần cho những năm sau. Ngoài ra, cần chú trọng đến số liệu quan trắc chất lượng không khí để đánh giá hiệu quả của các chính sách đã triển khai.
Việc áp dụng quota nên bắt đầu từ các khu vực nội đô, đồng thời Hà Nội cần làm việc với các doanh nghiệp xe điện để đảm bảo cung cấp đủ xe và hạ tầng trạm sạc. Đặc biệt, Hà Nội cũng nên đẩy nhanh tiến độ triển khai xe buýt điện, có thể rút ngắn lộ trình từ năm 2035 xuống năm 2030.
Ông tin khi Hà Nội thực hiện quyết liệt các giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho môi trường không khí và sức khỏe của người dân, đồng thời có thể trở thành mô hình cho các đô thị khác trong cả nước.
Cùng với Hà Nội, ông Tùng cho rằng TP. HCM có thể nghiên cứu và triển khai đề xuất này. Bởi phương tiện giao thông chạy xăng dầu cũng đang nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại đây. TP. HCM không nên chờ Hà Nội hoàn thành mà cần chủ động nghiên cứu và thực hiện các biện pháp này để giảm thiểu ô nhiễm và ùn tắc giao thông.
Cần có lộ trình để tránh tiêu cực
Đưa ra đề xuất nhưng ông Tùng cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện theo lộ trình và có thí điểm trước khi triển khai rộng rãi. Theo đó, cần tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Cần dựa trên số liệu thực tế về số lượng xe đăng ký mới qua các năm để tính toán mức quota trong năm đầu triển khai, đồng thời xác định lộ trình giảm dần các mức quota trong những năm tiếp theo. Đồng thời, cần chú trọng vào việc quan trắc chất lượng không khí để có số liệu đối chiếu, so sánh và đánh giá tác động của chính sách khi triển khai.
Theo ông Tùng, ban đầu nên thí điểm ở các khu vực nội đô. Khi đã chuẩn bị đầy đủ về truyền thông, cơ sở khoa học và đánh giá, có thể thực hiện cùng với thí điểm vùng phát thải thấp. Song song, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét các giải pháp khác. Việc thực hiện cần phải kỹ lưỡng, nếu không sẽ dễ dẫn đến thất bại hoặc phản tác dụng.
Ông cũng bày tỏ một số lo ngại, việc áp dụng quota cho xe xăng có thể khiến người dân tìm cách lách luật, ví dụ như mua xe và đăng ký ở các tỉnh, sau đó mang về sử dụng ở nội đô. Thậm chí, một thị trường mua bán suất quota có thể phát sinh.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, thời điểm này chưa nên làm. Chúng ta ủng hộ phát triển xe điện để xanh hóa hệ thống giao thông nhưng cần có chính sách từ Nhà nước để chuyển đổi. Chỉ khi chính sách đủ hấp dẫn để thu hút người dân mua xe ô tô điện và xe máy điện, thì mới có thể thúc đẩy sự chuyển đổi.
Ông đánh giá, sự cạnh tranh giữa các phương tiện là điều cần thiết để nền kinh tế phát triển và không nên áp đặt các biện pháp như ngừng cấp quota hay cấm đoán. Vì điều này có thể dẫn đến tiêu cực và phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ông lấy ví dụ, một sinh viên cần xe để kiếm thêm tiền và tiếp tục việc học, hay một người dân nghèo nuôi cả gia đình bằng chiếc xe xăng thì việc ngừng cấp phép phương tiện là điều khó thực hiện.
Một số chuyên gia cũng nhận định, việc áp dụng biện pháp mệnh lệnh hành chính vào thị trường chưa bao giờ đơn giản, đặc biệt là khi nhiều đề án phải lùi thời gian thực hiện như “Cấm xe ba bánh, xe tự chế”, “Thu phí vào nội đô” hay kế hoạch “Dừng đăng ký xe máy ở nội thành Hà Nội”.
Thay vì sử dụng biện pháp mệnh lệnh hành chính, chính quyền các đô thị nên tập trung vào việc nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng, từ đó khuyến khích người dân giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-ap-dung-boc-tham-mua-xe-xang-moi-tai-ha-noi-va-tp-hcm-lieu-co-kha-thi-10343.html