Lo lắng tăng giá sau khi giảm thuế
Trong dự thảo giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất mở rộng đối tượng được giảm VAT 2%.
Cụ thể, các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin, cùng các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (như thùng, bể chứa, dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi) sẽ được áp dụng chính sách này từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của người dân.
Trước đề xuất này, chị Nguyễn Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ vui mừng và ủng hộ. Chị cho biết, dưới góc độ người tiêu dùng, bất kỳ sự giảm thuế nào cũng mang lại niềm vui, đặc biệt với các sản phẩm thiết yếu có giá trị lớn trong mỗi gia đình.
Chị đưa ra ví dụ, khi mua một chiếc máy giặt lồng ngang trị giá khoảng 20 triệu đồng, nếu được giảm thuế VAT, chị sẽ tiết kiệm được ít nhất 400.000 đồng. Còn với sản phẩm lò vi sóng giá 5 triệu đồng, số tiền tiết kiệm được sẽ là 100.000 đồng. Chị bảo, dù là những khoản tiết kiệm nhỏ, nhưng cộng lại sẽ tạo thành một khoản đáng kể, giúp gia đình chị có thêm tiền cho các nhu cầu khác.
Tương tự, anh Trần Nguyên Vũ (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, đề xuất mở rộng đối tượng giảm thuế và kéo dài thời gian giảm thuế của Bộ Tài chính khiến người dân rất phấn khởi. Anh đặc biệt ủng hộ việc giảm thuế đối với các sản phẩm phục vụ sinh hoạt như máy giặt, lò vi sóng và mong chính sách này sớm đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, anh Vũ bày tỏ lo ngại về việc liệu người tiêu dùng có thật sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế hay không, vì doanh nghiệp vẫn kiểm soát giá bán. Anh chia sẻ, giảm thuế rất tốt, nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp phải minh bạch trong việc niêm yết giá. Nếu doanh nghiệp vẫn tăng giá sau khi giảm thuế, người tiêu dùng sẽ không thực sự hưởng lợi.
Doanh nghiệp cũng cần kích cầu tiêu dùng
Về lo lắng này, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá ít có khả năng xảy ra vì chính doanh nghiệp cũng cần kích cầu tiêu dùng. TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng và mở rộng phạm vi áp dụng là hợp lý trong tình hình hiện nay.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT 2% sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó làm giảm giá bán hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giúp tăng khả năng quay vòng vốn nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia thuế khẳng định, chính sách thuế, đặc biệt là việc giảm thuế giá trị gia tăng, là một công cụ hiệu quả để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính.
Chính sách này mang lại hy vọng lớn cho người tiêu dùng. Mặc dù mức giảm thuế VAT không quá lớn trên mỗi sản phẩm, nhưng khi kết hợp với các chương trình khuyến mãi khác, người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá hợp lý hơn. Khi giá bán giảm, sức mua tăng lên, giúp doanh nghiệp thúc đẩy doanh số và giải phóng hàng tồn kho. Điều này sẽ giúp doanh thu tăng, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Tuy nhiên, theo ông Tú, nhiều hàng hóa có tính liên kết chặt chẽ, trong đó đầu ra của sản phẩm này lại là đầu vào của sản phẩm khác. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu giảm thuế cho tất cả các ngành, lĩnh vực như viễn thông, chứng khoán, bất động sản…
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, mặc dù việc giảm 2% thuế VAT sẽ giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhưng sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế, từ đó quay trở lại đóng góp vào ngân sách.
Bà Cúc giải thích, việc giảm 2% thuế VAT sẽ làm giảm giá bán hàng hóa và dịch vụ, từ đó kích thích tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế VAT, chính sách này sẽ giúp giảm chi phí và khuyến khích sản xuất. Bà Cúc nhấn mạnh, đây là một giải pháp quan trọng để duy trì và phát triển nguồn thu ngân sách.
Năm 2025 là năm thứ tư Quốc hội và Chính phủ quyết định giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng. Bộ Tài chính cho biết, việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT đến giữa năm 2025 có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng, tương đương 4.175 tỷ đồng mỗi tháng. Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, số thuế VAT được giảm ước tính khoảng 8.300 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, việc giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng đồng thời kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT cho thấy Chính phủ đang áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được thực hiện hiệu quả, chính sách này sẽ không chỉ kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo ra động lực cho sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/de-xuat-mo-rong-giam-thue-vat-2-loi-ich-truc-tiep-cho-nguoi-tieu-dung-va-doanh-nghiep-10402.html