Lễ hội Gióng 2024 tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 15-17/2 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng). Có thể thấy, so với năm ngoái, lễ khai hội diễn ra muộn hơn. Từ khoảng 5-6h, du khách từ các nơi và nhân dân địa phương rục rịch đổ về khu vực tổ chức lễ hội và tượng đài Thánh Gióng.
Sau phần dâng hương, lễ thiên địa, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh đánh trống khai hội.
Sau phần văn tế của lãnh đạo huyện, các thôn lần lượt dâng 8 lễ vật. Lễ rước giò hoa tre và lễ tế của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) mở màn phần tế lễ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Hoa tre trong lễ hội Gióng đền Sóc biểu trưng cho tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Giò hoa tre được chuẩn bị cầu kỳ, chu đáo. Hoa tre được tạo bởi các lóng tre ngà cắt ngắn, vót thành bông ở đầu. Người dân sẽ dùng quả dành dành để nhuộm các bông tre này thành hai màu đặc trưng là màu vàng và đỏ. Sau khi kiệu lễ hoa tre được chuẩn bị xong, đêm mùng 5 Tết (trước khai hội một ngày), người dân sẽ thực hiện nghi lễ đặc biệt để mời Đức Thánh về chứng giám lễ vật đã được chuẩn bị với tấm lòng thành kính chờ dâng lên trong ngày khai hội.
Lễ rước ngựa của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) nối tiếp màn tế lễ. Lễ vật này gắn với tục truyền trước khi bay về trời, Thánh Gióng xuống ngựa, dừng chân ở đồi Phù Mã để nghỉ ngơi, thăm thú.
Sau lễ rước ngựa là lễ rước voi và lễ tế của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) và lễ rước trầu cau, lễ tế của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh). Voi của Thánh cũng góp công đánh đuổi ngoại xâm, trầu cau cũng được đem dâng để tỏ lòng biết ơn, tôn kính. Lễ rước ngà voi, cỏ voi, rước tướng và rước cầu húc nối tiếp màn tế lễ.
Ở hội Gióng đền Sóc năm nay, sau khi làm lễ tại sân Rồng, giò hoa tre và trầu cau được tiến cung để ông Gióng chứng giám, sau đó, lộc sẽ được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để tất lộc cho du khách. Cách làm này của Ban tổ chức nhằm hạn chế tình trạng chen lấn, tranh cướp, xô đổ ban thờ.
Tuy nhiên, ngay sau khi lễ xong, du khách vẫn tràn vào khu vực phát hoa tre để xin lộc, khiến lối đi trong điện chính tắc nghẽn.
Tuy nhiên, cảnh chen lấn xin lộc hoa tre vẫn gây ra tình trạng hỗn loạn. Những mùa trước thậm chí từng có vụ xô xát, ẩu đả dẫn tới chấn thương ở hội Gióng.
Theo tìm hiểu, Lễ hội Gióng đền Sóc là lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm tưởng nhớ, ca ngợi người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội mô phỏng một cách sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống thượng võ, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).
Năm 2010, lễ hội Gióng ở đền Sóc và Hội Gióng đền Phù Đổng được (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Chia sẻ với Đô thị mới, bà Tuyết Mai (56 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Điều khiến cho hội Gióng trở nên nổi bật trên toàn cầu là bởi những giá trị văn hóa được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ. Mặc dù là lễ hội được tổ chức ở Thủ đô – gần với trung tâm đô thị phát triển hiện đại, tuy nhiên hội Gióng vẫn tồn tại qua thời gian một cách độc lập, bền vững, lưu giữ những nét đẹp truyền thống mà không bị thương mại hóa.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/dong-nguoi-chen-kin-loi-di-de-xin-loc-hoa-tre-trau-cau-tai-hoi-giong-1050.html