Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%. Mức tăng trưởng này không đạt mục tiêu đề ra (14,5%).
Tính tới cuối năm 2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75% so với đầu năm. Trong đó, cho vay tiêu dùng bất động sản giảm 0,7% nhưng cho vay kinh doanh bất động sản tăng tới 22%.
Tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng bất động sản chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay bất động sản. Cơ cấu huy động vốn và cho vay vẫn tồn tại rủi ro mất cân đối kỳ hạn (huy động vốn ngắn hạn chiếm trên 80%, trong khi 50% tổng dư nợ cho vay là trung, dài hạn).
Theo bà Hà Thị Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, những giải pháp của Chính phủ và ngành ngân hàng trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.
Đến cuối tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số vốn cam kết là 5.000 tỷ đồng và đã giải ngân được 428 tỷ đồng.
Triển vọng nào cho năm 2024?
Thị trường bất động sản bước sang năm 2024 ghi nhận những tín hiệu tích cực, thị trường ấm dần. Kênh dẫn vốn với lãi suất thấp thông thoáng được dự báo sẽ khiến thị trường bất động sản hồi phục nửa cuối năm nay.
Theo định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Khác với các năm trước cấp theo từng đợt, ngay từ đầu năm nay, nhà điều hành đã cấp toàn bộ hạn mức cho các ngân hàng.
Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp kỳ vọng với việc các bộ Luật quan trọng như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua các vấn đề pháp lý sẽ sớm được khơi thông toàn bộ.
Về nguồn vốn, ông Điệp dự báo năm 2024 tín dụng sẽ tăng trưởng 13-14% so với năm 2023, trong khi đó lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh ổn định ở mức thấp, với việc tín dụng kỳ vọng tăng trưởng cao như vậy sẽ giúp bất động sản nhanh chóng hồi phục. Thị trường sẽ hồi phục rõ nét nhất vào giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Trong báo cáo triển vọng đầu tư được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các "nút thắt" đang dần nới lỏng được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản có sự phục hồi từ nửa cuối năm 2024.
Ở góc độ vốn, mặt bằng lãi suất vay giảm, trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các chủ đầu tư, và có thể hỗ trợ nhu cầu mua nhà. VNDirect cũng kỳ vọng biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phục hồi trong các quý tới.
"Lãi suất giảm kỳ vọng giúp nhu cầu mua bất động sản sẽ cải thiện, từ đó hỗ trợ dòng tiền của các chủ đầu tư. Chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản nhà ở đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024", nhóm phân tích VNDirect đánh giá.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024 có thể đạt khoảng 14% trong kịch bản cơ sở. Động lực sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, kinh doanh bất động sản,… Tăng trưởng tín dụng năm 2024 kỳ vọng bứt tốc khi thanh khoản bất động sản cải thiện.
Theo BSC, sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản được cho là yếu tố chính quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng trong năm 2024, khi dư nợ bất động sản hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh).
BSC cũng kỳ vọng các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ qua sửa đổi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ giúp thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng thực sự cải thiện trong năm nay.
Dù đang có những tín hiệu ngày càng rõ ràng cho thấy đà tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) Trần Văn Bình thì để khơi thông dòng tín dụng chảy vào thị trường địa ốc, bên cạnh những kế hoạch chi tiết mà doanh nghiệp tự đặt ra, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, ngành ngân hàng cần “mở” hơn về các điều kiện cấp tín dụng.
Cụ thể, theo ông Bình, về thủ tục, cần đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng xuống dưới 1 tháng. Cùng với đó, cần giảm lãi suất nhiều hơn nữa, nhất là đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt và phương án kinh doanh khả thi.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay; tiếp tục cho phép dùng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn; nới room cho những ngân hàng đang tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản; kéo dài thời gian cho vay đối với các ngành liên quan trực tiếp tới bất động sản.
(Theo Nhịp sống thị trường)
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thanh-khoan-tren-thi-truong-bat-dong-san-phuc-hoi-giup-tang-truong-tin-dung-duoc-cai-thien-1053.html