Nhức nhối cải tạo chung cư cũ (Bài 2): Liệu có chỉ "nhắm" đến những khu có vị trí đắc địa?

Bên cạnh việc lo ngại về quyền lợi, điều kiện sinh hoạt tối thiểu...thì một số người dân cũng bày tỏ băn khoăn: Công tác nói trên liệu có chỉ nhắm đến những khu có vị trí “đắc địa”?

Cảnh sống thấp thỏm trong hàng ngàn chung cư cũ nát 

Hiện nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn cả nước đang có hàng ngàn nhà chung cư cũ tại các đô thị lớn là nơi sinh sống của hàng vạn người dân.

Tại Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó, chỉ tính riêng 4 quận nội thành đã có tới gần 1.000 nhà chung cư cũ.

Tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, TP HCM hiện có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Qua kiểm định chất lượng, có 14 chung cư cấp D (bị hư hỏng nặng, nguy hiểm), 116 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B và 12 chung cư đã tháo dỡ hoặc chuyển mục đích.

Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.

Dù được xem là một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên hàng đầu của ngành xây dựng nhưng thời gian qua, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn hết sức ì ạch, thậm chí lâm vào bế tắc.

Theo dữ liệu do Bộ Xây dựng công bố, đến cuối năm 2023, việc cải tạo chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so với tổng số nhà chung cư cũ ở Hà Nội và 1% ở TP.HCM.

Lý giải cho sự chậm trễ trên, nhiều ý kiến cho rằng đến từ việc người dân sở hữu chung cư cũ không hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân sẵn sàng ủng hộ chủ trương tốt đẹp nói trên. Điều họ cần là các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đưa ra những cam kết hài hòa, rõ ràng liên quan đến lợi ích của họ.

Ông Nguyễn Văn Chi, đại diện các chủ sở hữu tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết người dân rất ủng hộ và vui mừng với chủ trương cải tạo xây dựng lại chung cư cũ G6A do đã xuống cấp nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tính mạng của mọi người.

Chung cư cũ G6A Thành Công thời điểm trước khi bị quây tôn (tháng 3/2023).

Tuy nhiên, theo ông Chi, những vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm định cũng như sự thiếu rõ ràng trong việc hỗ trợ tái định cư đã dẫn đến việc người dân còn nhiều băn khoăn, chưa thống nhất.

“Chúng tôi ở Giảng Võ nhưng lại bố trí tái định cư sang tận Long Biên hay đâu đó xa hàng chục cây số. Trong khi, chúng tôi không nhận  cam kết rõ ràng về thời gian hoàn thành của dự án. Điều đó khiến người dân lo ngại về sinh kế cũng như chuyện học hành của con cháu. Mức hỗ trợ thuê nhà không đảm bảo,  kèm theo việc kinh doanh, buôn bán hiện tại bị ảnh hưởng, giá cả sinh hoạt lại ngày một đắt đỏ...Vì vậy không thể nói là không lo lắng dù ai cũng muốn muốn thoát khỏi chung cư cũ nát, sập xệ”, ông Nguyễn Văn Chi cho biết.

Nhà phải chống khung thép cả 5 tầng lại bị "bỏ quên"? 

Bên cạnh việc lo ngại về quyền lợi, điều kiện sinh hoạt tối thiểu...thì một số người dân cũng bày tỏ băn khoăn: Công tác nói trên liệu có chỉ nhắm đến những khu có vị trí “đắc địa” như ven hồ, đường lớn mà “bỏ quên” những khu nhà khác dù đã xuống cấp đến mức nguy hiểm.

Sơ đồ nhà G6A Thành Công và nhà E6 Thành Công so với hồ Thành Công. Ảnh: Nguyễn Văn Chi

Ông Nguyễn Quang Gắng, trú tại nhà 203,  Tập thể A7 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Nhà A7 đã xuống cấp nhiều năm, đến mức người dân không dám ở vì sợ sập, nhiều cơ quan báo đài cũng đã phản ánh tình trạng này. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm định lại chỉ đánh giá nguy hiểm cấp C, chứ không phải cấp D để được ưu tiên cải tạo, xây dựng lại.

“Cán bộ khi xuống kiểm định thực tế đã xác định nguy hiểm cấp D. Tuy nhiên, kết luận sau đó lại điều chỉnh thành cấp C”, ông Gắng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chi cũng có cùng băn khoăn về trường hợp của nhà A Ngọc Khánh và G6A Thành Công. Theo ông Chi, năm 2015, đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh dù không phải chống đỡ khung thép vẫn được áp cấp D. Trong khi, đơn nguyên 2 cùng nhà đó, phải chống khung thép cả 5 tầng lại áp cấp C.

“Các nhà A7 Tân Mai, E6 Thành Công,… đều xa đường, xa hồ; còn các nhà cấp D như G6A Thành Công, A Ngọc Khánh, C8 Giảng Võ đều nằm sát đường, sát hồ”, ông Chi nêu băn khoăn trong đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng.

Nhà E6 khu tập thể Thành Công. Ảnh: LS

Chia sẻ quan điểm của ông Chi, ông Nguyễn Quốc Trí, phòng 205, đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh cho biết ông và một số hộ dân tại đây không đồng tình với kết quả kiểm định nguy hiểm cấp D của các cơ quan chức năng.

Theo ông Trí, dù đơn nguyên 2 của nhà A Ngọc Khánh phải chống khung thép cả 5 tầng, cầu thang và tường xuất hiện nhiều vết nứt, toàn bộ đơn nguyên này cũng đang bị lún, nghiêng thì lại xếp cấp C. Trong khi đó, đơn nguyên 1 chưa phải chống một thanh thép, cũng chưa nứt vỡ gì thì lại bị xếp cấp D. "Điều này liệu có liên quan đến việc đơn nguyên 1 có vị trí nhìn thằng ra hồ Giảng Võ?", ông Trí đặt câu hỏi.

Nhà A Ngọc Khánh nằm đối diện hồ Giảng Võ. Ảnh: LS

Từ những băn khoăn trên, các ông Gắng, ông Chi, ông Trí mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức kiểm định lại nhà chung cư cũ một cách khách quan, có sự tham gia giám sát của người dân cũng như các cơ quan chuyên môn độc lập.

“Khi công tác kiểm định được đảm bảo công khai minh bạch cũng như có kế hoạch tái định cư, tạm cư, hỗ trợ rõ ràng, phù hợp thì người dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi ai chẳng muốn được ở trong căn nhà khang trang, kiên cố, an toàn”, ông Nguyễn Văn Chi cho biết.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhuc-nhoi-cai-tao-chung-cu-cu-bai-2-lieu-co-chi-nham-den-nhung-khu-co-vi-tri-dac-dia-1086.html