Luật các Tổ chức tín dụng đã được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tác động nhạy cảm nhất mà Luật các Tổ chức tín dụng tác động tới hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng có thể kể đến nhóm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần.
Cụ thể, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định giới hạn một cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% (như quy định tại luật hiện hành), giảm giới hạn từ mức 15% (một tổ chức) và 20% (một nhóm cổ đông) xuống còn 10% và 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Quy định trên được kỳ vọng sẽ hạn chế đáng kể khả năng một nhóm cổ đông tìm cách sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm thiểu hệ lụy của vấn đề sở hữu chéo, thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cũng sẽ có tác động rất lớn đến hệ thống các tổ chức tín dụng là nhóm quy định mới về hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, nhóm người có liên quan. Theo đó, Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định giảm giới hạn từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của tổ chức tín dụng hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tỷ lệ này giảm từ 25% và 50% vốn tự có xuống còn 15% và 25%. Lộ trình thực hiện cũng đến năm 2029.
Thay đổi này nhằm giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhưng liệu có gây ra khó khăn về tiếp cận vốn với các doanh nghiệp hay không?
Nhận định về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ và lộ trình thay đổi này rất nhân văn vì đảm bảo được việc thực hiện. Sự thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp khi đang triển khai các dự án và đang có lộ trình giảm dần; có hành trang mới để chuẩn bị tiếp cận các tổ chức tín dụng khác hoặc tổ chức tín dụng đầu mối mời các tổ chức tín dụng tham gia để tài trợ tiếp cho khách hàng hoặc nhóm khách hàng đó.
Ông Hùng cho rằng, những thay đổi trên còn tạo tiền đề cho thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn, nhất là thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Nó giúp doanh nghiệp chủ động huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn, giảm phụ thuộc quá nhiều vào tổ chức tín dụng như hiện nay.
Ông Hùng nhấn mạnh, vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là vốn đầu tư trung, dài hạn. Bởi ngân hàng huy động vốn phần lớn là ngắn hạn cho nên không thể có đủ nguồn lực cho đầu tư vốn trung, dài hạn. Do đó doanh nghiệp đặt tất cả các nhu cầu vốn vào các tổ chức tín dụng ngân hàng là không hợp lý, cần phải mở rộng ra các nguồn vốn khác.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Nhà nước hiện đã có cơ chế cho vay đồng tài trợ. Doanh nghiệp phải quen điều này, không chỉ cứ dựa vào một tổ chức tín dụng. Như vậy, doanh nghiệp cần bao nhiêu vốn cũng có thể có, không phải lo chuyện thiếu vốn. Vấn đề là tính minh bạch và hiệu quả của dự án thế nào.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-doanh-nghiep-co-gap-kho-khan-khi-tiep-can-von-1145.html