Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính xoay quanh vấn đề này.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 giảm 0,6% so với đầu năm 2023. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này và theo ông đâu là nguyên nhân của việc này?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Thực ra điều này cũng là hiện tượng bình thường theo quy luật mùa vụ, không có gì lạ. Sau Tết Dương lịch, các đơn hàng xuất khẩu đã hoàn thành rồi. Tháng 1 lại là giáp Tết âm lịch. Nếu doanh nghiệp cần chuẩn bị cho các đơn hàng thì họ cũng đã chuẩn bị, vay mượn từ tháng trước.
Tháng 12 năm ngoái, tăng trưởng tín dụng khá mạnh, bởi các doanh nghiệp đã vay để chuẩn bị cho việc kinh doanh. Do đó, việc tăng trưởng tín dụng của tháng 1 giảm cũng không có gì lạ.
Tháng 2,3 tới đây, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại bởi các đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành nghề như dệt may, da giày, điện thoại… đã bắt đầu trở lại. Tất nhiên, phía cơ quan quản lý cũng có những lo lắng, bởi Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng 15% từ đầu năm.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng nhìn chung vẫn chưa hết khó khăn bởi đó là khó khăn của nền kinh tế, nhất là cho vay tiêu dùng. Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh giảm, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng; một số nhóm khách hàng (khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý…
Như vậy, theo ông liệu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2024 mà Ngân hàng Nhà nước giao từ đầu năm liệu có đạt?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi hy vọng là nó sẽ đạt, bởi các đơn hàng xuất khẩu đã dần quay lại. Việc sản xuất ngay từ cuối năm 2023 đã quay trở lại mạnh mẽ. Tháng 1,2 năm nay cũng đã có tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Đây là mức tăng trưởng tương đối tốt so với thời gian trước đây.
Tín hiệu tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng được ghi nhận, với số lượng đăng ký vào Việt Nam lớn, mức độ giải ngân rất cao. Và bước sang tháng 1/2024, mức độ thu hút đầu tư nước ngoài tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm nữa, hoạt động đầu tư công và các động thái tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này cũng mang đến nhiều hy vọng về sự tiến triển tích cực của kinh tế năm nay.
Chúng ta có thể hy vọng việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt khi họ tăng cường hoạt động, tuyển mộ thêm lao động. Đây cũng là tín hiệu lạc quan để tin tưởng năm nay có sự tăng trưởng tốt hơn năm ngoái.
Các doanh nghiệp vẫn cho biết khó tiếp cận tín dụng vì lãi suất điều hành hạ nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay phải giảm theo, nhưng lãi suất cho vay phải hạ dần, không phải một sớm một chiều.
Thực chất, việc cắt giảm lãi suất có thể kích cầu tín dụng, thúc đẩy khách hàng vay vốn. Nhưng đây không phải mấu chốt để thúc đẩy hoạt động cho vay. Vấn đề quan trọng là khách hàng đó có muốn vay hay không? Có đủ điều kiện để vay được vốn hay không?
Với tình hình kinh doanh không khả quan, sức cầu của nền kinh tế giảm thì doanh nghiệp dù có đủ điều kiện cũng sẽ thận trọng trong quyết định vay vốn để mở rộng kinh doanh vì lo ngại rủi ro.
Thậm chí, trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc tiết giảm chi phi, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, không dùng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng… để duy trì hoạt động thay vì mở rộng.
Do đó, điều quan trọng là cần phải giải quyết được đầu ra và kích thích tiêu dùng nội địa. Khi hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn thì các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay vốn hơn.
Vậy, để thúc đẩy việc bơm vốn tín dụng ra nền kinh tế, theo ông còn cần thêm những giải pháp gì?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng phải tiết giảm các chi phí không cần thiết, số hóa, đơn giản thủ tục hành chính, hồ sơ vay vốn. Sau đó, mới đến giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Tuy vậy, vẫn cần kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Thêm nữa, cần triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng như chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Tại cuộc họp của ngành ngân hàng vừa diễn ra, nhiều ý kiến đề nghị gia hạn Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu, gia hạn nợ. Quan điểm của ông thế nào về điều này?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi việc gia hạn Thông tư 02 cũng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần giúp các doanh nghiệp có thể phục hồi sức sản xuất, tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn ngân hàng. Như vậy, có thể gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì chỉ đến tháng 6/2024.
Song song với đó, chúng ta cũng cần tiến hành thêm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, hoãn thuế, phí; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không ban hành các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể “hồi sức” trở lại.
Năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.
(Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank)
"Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 là do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng suy giảm. Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.
Ở khía cạnh bán buôn, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư mới, mở rộng kinh doanh, dẫn tới giảm vay vốn. Dư nợ cho vay thanh toán quốc tế có yếu tố thời vụ. Tâm lý chung của khách hàng là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm".
(Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank)
Hoài Phong (thực hiện)
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ngan-hang-thua-tien-thang-dau-nam-chuyen-gia-cho-rang-khong-co-gi-la-1193.html