Theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh. Từ năm 2010 đến năm 2023, tốc độ đô thị hóa tăng từ 30,5% lên hơn 42,6% và đà tăng này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Theo đó, vào năm 2025, mục tiêu đạt tối thiểu là 45% và trên 50% đến năm 2030.
Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, đến tháng 10/2023, Việt Nam có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, tạo ra nhiều thách thức lớn. Theo đó, ở một số tỉnh, thành phố liên tục rơi vào tình trạng báo động về ô nhiễm không khí khiến người dân ngày càng “khát" không gian xanh.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.
Theo VARs, phát triển đô thị xanh đang trở thành mô xu hướng tất yếu và có nhiều chủ đầu tư rót vốn vào bất động sản xanh. Tuy nhiên, số lượng dự án thực tế vẫn “lệch pha” so với nhu cầu thực tế bởi việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30% nên các chủ đầu tư e dè.
Ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Capital House cho rằng, việc xây dựng một công trình xanh đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải hi sinh lợi nhuận. Xây dựng công trình xanh không đơn giản là mong muốn, nguyện vọng chung chung mà nó đụng chạm đến những tiêu chuẩn quốc tế cụ thể, đồng nghĩa với việc phải mời được các bên thiết kế thi công đảm bảo được các tiêu chí đó.
Thứ hai, phát triển công trình xanh phải gắn với những vấn đề rất cụ thể đòi hỏi mỗi chủ đầu tư phải có những tính toán riêng. Thêm vào đó, khi đô thị xanh đi vào hoạt động, chi phí vận hành sẽ cao hơn, người dân ở đó sẽ phải đóng phí dịch vụ nhiều hơn, điều này khiến họ cân nhắc khi mua.
Theo ghi nhận, khoảng 2 năm trở lại đây, đô thị xanh là xu hướng được nhiều khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, thị trường đang “khát” dự án đạt chuẩn xanh. Rất nhiều dự án đang "vin" vào yếu tố xanh để bán hàng nhưng không có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể.
Hội đồng Công trình xanh Việt Nam thông tin, Việt Nam có chưa đến 100 công trình xanh đạt chuẩn quốc tế. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Diamond Lotus Lake View, Flora Kikyo (TP.HCM), EcoLife Capitol, Anland Complex (Hà Nội), ATAD (Đồng Nai)…
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, lãnh đạo VARs cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho các dự án đô thị xanh (hệ số cây xanh, diện tích mặt nước, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch)... Các doanh nghiệp cũng cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để hướng đến nhu cầu sống xanh của người dân.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-dong-san-xanh-dang-khat-nguon-cung--1272.html