Ngày 1/7/2024, Luật Căn cước sẽ có hiệu lực. Bộ Công an xây dựng thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước nhằm triển khai luật này. Theo đó, mục "quê quán" được đổi thành "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú" đồng thời chuyển sang mặt sau thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".
Trên thẻ căn cước cũng sẽ không còn các thông tin về vân tay và đặc điểm nhân dạng. Bộ Công an cho biết, lược bỏ vân tay và đặc điểm nhân dạng nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Những thông tin này vẫn sẽ được lưu trữ trong phần mã hóa của thẻ (chip điện tử). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin bằng phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.
Thông tin về mẫu căn cước mới dẫn đến thắc mắc của nhiều người về việc có phải đi đổi lại thẻ căn cước công dân? Liệu sẽ lại có một đợt “tổng lực” làm thẻ căn cước như thời điểm chuyển sang thẻ căn cước công dân gắn chip?
Trước thắc mắc này của người dân, Bộ Công an cũng đã đưa ra ý kiến: Khi Luật Căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Do đó người dân không bắt buộc phải cấp đổi. Đặc biệt những thẻ căn cước công dân hết hạn từ nay đến trước ngày 1/7 thì người dân không cần phải đi làm thủ tục cấp lại thẻ, "cứ dùng và đợi làm luôn thẻ căn cước mới".
Việc cấp thẻ căn cước sẽ được thực hiện từ ngày 1/7. Các trường hợp áp dụng làm thẻ căn cước: Thẻ căn cước công dân hết hạn, công dân đến tuổi cấp lần đầu, người có nhu cầu đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc có thay đổi thông tin liên quan đến cá nhân.
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) khuyến cáo, người dân không nên đổ xô đi đổi thẻ căn cước. Trong trường hợp người làm thủ tục cấp thẻ căn cước tăng đột biến thì Bộ Công an vẫn sẽ đáp ứng được nhân lực và vật lực để phục vụ nhu cầu của người dân.
Một điểm đặc biệt khi người dân làm thẻ căn cước từ ngày 1/7 là cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập thông tin về mống mắt để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước. Cũng giống như vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và là duy nhất, không thay đổi nhiều theo thời gian. Việc thu thập được thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng.
Ngoài ra, theo Luật Căn cước còn quy định thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước. Tuy nhiên, khác với mống mắt là yêu cầu bắt buộc phải thu thập, thì ADN và giọng nói sẽ có 2 hình thức thu thập. Một là, người dân tự nguyện cung cấp. Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhung-ai-can-doi-can-cuoc-cong-dan-khi-luat-can-cuoc-co-hieu-luc-tu-ngay-1-7-2024-1347.html