Mục tiêu của Đề án chia theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Kỹ sư của Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, cũng như tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử….
Giai đoạn thứ 2, từ năm 2030 đến 2045, Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Lúc này, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam sẽ có đủ trình độ, khả năng đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành về chất lượng lẫn số lượng.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được giao là cơ quan chủ trì dự thảo Đề án.
Về thực trạng nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam thời gian qua, theo Bộ, trong nước mới chỉ có công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên, còn lại là 36 doanh nghiệp từ nước ngoài với đội ngũ nhân lực khoảng 5.600 kỹ sư. Đứng trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu thời gian qua, cũng như yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực bán dẫn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện lẫn năng lực để thực hiện được các mục tiêu như Đề án đặt ra. Hiện, chúng ta đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Intel, Amkor, Qualcomm, Sybopsys, Cadence… Việt Nam cũng đang có nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu để phát triển nguồn nhân lực quan trọng trong tương lai.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như đào tạo nhân sự phục vụ ngành. NIC – cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập từ năm 2019 với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của các doanh nghiệp... Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thời gian qua NIC cũng đã làm việc, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, bộ ngành, tổ chức trong và ngoài nước để phát triển, đào tạo nhân sự cho ngành này.
Tháng 12/2023, Tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện NIC cũng đã có buổi làm việc quan trọng với Chủ tịch Nvidia. Theo đó, Nvidia cũng chia sẻ các dự định về việc xây dựng cứ điểm của tập đoàn tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài.
Mới đây nhất, tại MWC 2024, Viettel cùng “ông lớn” khác trong ngành bán dẫn là Intel cũng đã đạt được những thỏa thuận đáng kể trong việc hợp tác để phát triển AI và 5G.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nganh-ban-dan-viet-nam-sap-co-them-50000-nhan-luc-chat-luong-cao-1422.html