Chùa Hương (ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là địa điểm du xuân, bái Phật nổi tiếng của cả nước. Dịp lễ hội mỗi năm, nơi đây đón tiếp hàng trăm nghìn phật tử, du khách đến tham gian, vãn cảnh.
Trong quan niệm dân gian, để thể hiện lòng thành kính, nhất tâm hướng Phật khi đến chùa Hương cầu tài lộc thì nên đi liên tiếp 3 năm. Đã 5 năm liền đến với lễ hội chùa Hương, bà Vũ Thị Định (54 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ, theo quan niệm dân gian thì bà đã đi đủ 3 năm. Tuy nhiên, bà thấy cảnh sắc chùa Hương đẹp, linh thiêng nên năm nào cũng đi.
Lễ hội chùa Hương năm nay, bà thấy có nhiều thay đổi tích cực khi không còn tình trạng xe ôm chèo kéo khách chở vào bến đò, lái đò không còn giành giật khách. Năm nay, xe cũng không được vào tận bến mà đỗ tại các bãi gửi xe. Từ bãi xe, du khách di chuyển vào bến đò bằng xe điện. Các xe điện này chạy lần lượt theo sự sắp xếp của bộ phận điều hành nên rất quy củ.
Anh Ngô Mạnh Hải (34 tuổi, quê Hưng Yên) cũng đã có 4 năm đi hội chùa Hương. Anh bảo, so với mấy năm trước thì năm nay đò hoạt động tốt hơn khi không còn cảnh chèo kéo khách. Ở các điểm chùa, tình trạng xả rác giảm hẳn. Nhiều nhà hàng đã công khai niêm yết giá nên khách không lo bị chặt chém.
Tuy nhiên, anh Hải lại phàn nàn vì giá vé nhiều dịch vụ tăng cao. Theo đó, giá vé thắng cảnh chùa Hương năm ngoái là 80.000 đồng/người, hiện tại 120.000 đồng/người, vé đò tuyến Thiên Trù - Hương Tích 85.000 đồng/người (năm ngoái là 50.000 đồng/người), tuyến Tuyết Sơn - Long Vân 65.000 đồng/người; giá vé cáp treo khứ hồi 220.000 đồng/người; vé xe điện 20.000 đồng/người/chiều (di chuyển từ bãi xe tổng đến khu trung tâm bến đò).
Theo anh Hải, nếu cộng dồn lại, mỗi người sẽ phải trả ít nhất 465.000 đồng khi tham quan chùa Hương. Nếu tính thêm tiền ăn uống, chi phí đi lại từ nhà đến chùa Hương, tiền gửi xe theo tiếng… thì con số này lên tới tiền triệu.
Chia sẻ về chi phí tham quan, chị Vũ Hải My (quê Thanh Hóa) cho biết, giá vé và phí nhiều dịch vụ tại chùa Hương năm nay đã tăng hơn trước. Đoàn nhà chị có 7 người, đã tiêu hết gần 7 triệu.
Một du khách khác lại bộc bạch về dịch vụ thuyền, đò chở khách. Năm nay không còn tình cảnh chèo kéo, nhưng giá vé đã tăng lên 85.000 đồng/người. Đò nhỏ phải đủ 6 khách mới đi. Ai không muốn chờ đợi hay đi ghép thì phải trả thêm chỗ còn lại. Gia đình vị khách này có 4 người, do không muốn đi ghép nên phải trả thêm 170.000 để đi 1 đò.
Trước những ý kiến phàn nàn về tăng giá vé tại chùa Hương, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho rằng, so với nhiều địa danh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khác ở Hà Nội thì mức phí tham quan chùa Hương không phải là quá lớn. Các mức phí này cũng đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua.
Ngoài ra Thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch quy định, mỗi một điểm di tích không được thu quá 40.000 đồng tiền phí. Chùa Hương có 21 điểm tham quan mà chỉ thu 120.000 đồng.
Ông Hiển chia sẻ, lễ hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Hội chỉ diễn ra trong 3 tháng nên nhiều hạng mục cơ sở vật chất phải tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng còn lại. Khi gần đến lễ hội, các hạng mục này cần gia cố, tu sửa để phục vụ tốt nhất cho người dân. Giá vé thắng cảnh tăng cũng nhằm mục đích bù chi phí và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Còn về giá đò, theo ông Hiển, đò di chuyển thủ công bằng sức người. Mỗi người chèo thuyền sẽ được hưởng 70% vé đi đò. Hiện có khoảng 4.000 đò hoạt động trong hợp tác xã.
Phí xe điện cũng do doanh nghiệp tự tính toán chi phí và đề xuất giá để phục vụ. Trước đây có ít xe điện nên xuất hiện tình trạng xe ôm chèo kéo, chở khách rất nhộn nhạo. Xe điện được điều hành đi đúng lộ trình, niêm yết giá công khai, lưu thông thuận tiện, tránh gây phiền hà cho du khách.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/hoi-chua-huong-gia-dich-vu-tang-nguoi-dan-phai-tra-khoang-450-ngan-dong-cho-tong-cac-loai-ve--1468.html