Sáng ngày 5/3 là phiên xử đầu tiên vụ Vạn Thịnh Pháp. Biết được thông tin này nên từ sáng sớm, bà P.T.Bình (56 tuổi) đã đứng trước cổng Toà án Nhân dân TP. HCM để chờ nghe xét xử.
Bà Bình cho biết, năm 2022, con cần tiền trả nợ nên bà Bình đã phải bán nhà. Trong lúc chờ chuyển tiền cho con, bà đã mang gần 1,3 tỷ đồng tới Ngân hàng SCB gửi. Tại đây, nhân viên ngân hàng tư vấn bà tham gia vào hình thức gửi tiết kiệm mới. Với loại hình này, khi nào bà cần tiền thì có thể rút linh hoạt mà không bị mất lãi như gửi tiết kiệm có kỳ hạn thông thường. Nhân viên ngân hàng không nói với bà đó là mua trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, có thể bị rủi ro.
Bà Bình thở dài nói, bà không được học nhiều, viết chữ phải từ từ, đọc cũng phải đeo kính. Bà nghĩ ngân hàng thì uy tín rồi nên cũng tin tưởng nhân viên ở đó luôn, nên khi người này chỉ ký chỗ nào là bà ký chỗ đó. Giờ bà không biết khi nào mới lấy lại được tiền gốc, chứ không nói gì đến lãi.
Bà N.T.Vân (60 tuổi) cũng tới Ngân hàng SCB (chi nhánh Gò Vấp) gửi tiết kiệm 200 triệu đồng với mục đích lấy lãi lo thuốc thang lúc ốm đau. Bà gửi kỳ hạn 6 tháng. Hết hạn, bà đến ngân hàng để đáo hạn thì được nhân viên ngân hàng tư vấn “gói mới”.
Bà bảo, nhân viên ở Ngân hàng SCB tư vấn mập mờ khiến bà hiểu nhầm rằng đang tham gia hình thức gửi tiết kiệm mới, được linh hoạt rút tiền và nhận lãi suất cao hơn gửi thông thường. Lúc đó, nhân viên ngân hàng nói với bà gói mới này rút lúc nào cũng được, lấy sau 31 ngày thì sẽ được hưởng lãi 8%, còn lấy trước 31 ngày thì không có lãi.
Thấy "gói mới" có lãi suất cao hơn so với hiện tại 1%, bà Vân đã đồng ý để nhân viên ngân hàng chuyển số tiền trên sang "gói mới". Nhưng khoảng 2 tháng sau, bà đến ngân hàng để rút tiền thì mới hay mình mua trái phiếu doanh nghiệp. Bà Vân không được cung cấp thông tin về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không được lựa chọn mã trái phiếu mà do phía ngân hàng mặc định. Đến nay, bà không rút được tiền lãi và gốc như được cam kết.
Có không ít trường hợp như bà Vân, bà Bình trở thành trái chủ trái phiếu “bất đắc dĩ” của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Bà Hạnh (62 tuổi) - nạn nhân trong việc mua trái phiếu cho biết, cả đời bà làm lụng vất vả, đổ máu và nước mắt mới có được hơn 600 triệu đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB. Bà được nhân viên ngân hàng tư vấn gửi tiết kiệm theo hình thức mới, giờ mới ngã ngửa ra là mua trái phiếu.
Ngồi lặng lẽ tại công viên theo dõi thông tin phiên tòa, cụ Lệ Hằng (83 tuổi, ngụ TP.HCM) hy vọng cơ quan chức năng xử lý, thu hồi được cho cụ số tiền hơn 14 tỷ đồng bị lừa mua trái phiếu SCB. Trong khi đó, bà N.T.H chia sẻ, số tiền lương hưu tích cóp được của mình đã mua trái phiếu, không biết bao giờ mới lấy lại được tiền.
Vụ án Vạn Thịnh Phát phức tạp với số lượng bị cáo và nhân chứng đông nên cơ quan chức năng hạn chế số người tham dự. Chỉ những người được tòa triệu tập mới được vào trong tham dự phiên toà. Vì vậy nhiều người dân chỉ có thể tập trung tại công viên đối diện TAND TP. HCM để nghe ngóng thông tin phiên toà.
Tuy nhiên, đợt xét xử lần này là giai đoạn 1 của vụ án, chỉ tập trung điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo liên quan đến các hành vi tội tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ… Từ đó mới tập trung thu hồi tài sản, làm tiền đề giải quyết cho giai đoạn 2 của vụ án là các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Biết được thông tin này, những người dân này lầm lũi ra về, mong ngóng đợt xét xử tiếp theo của vụ án.
Trong phiên xét xử ngày đầu tiên, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xét xử các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
85 bị cáo còn lại là những lãnh đạo cấp cao của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về các tội: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella bị xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì có hành vi chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/xet-xu-vu-van-thinh-phat-lao-dong-ngheo-mong-lay-lai-tien-1517.html