Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đã đề xuất với UBND TP. HCM xây dựng Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Theo đó, cần xây dựng cụ thể chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình cho cá nhân, hộ gia đình thực hiện chuyển đổi xe xăng sang xe điện.
Trong đề xuất này, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng đưa ra địa phương thí điểm là huyện đảo Cần Giờ. Lý giải về nguyên nhân chọn địa phương này, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết, huyện Cần Giờ có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tại TP. HCM nhưng lại tập trung lượng khách du lịch lớn. Do đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích chuyển đổi phương tiện sẽ đạt mục tiêu xã hội và phát triển bền vững cho địa phương.
Hiện tại, huyện Cần Giờ cũng đang xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh, trong đó có phát triển giao thông xanh như xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ. Đặc biệt, các khách du lịch tới địa phương đều được khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Mục đích là kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Theo viện nghiên cứu, để triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông, kiểm soát khí thải phương tiện, trước hết cần áp dụng cho từng khu vực, từng nhóm đối tượng cụ thể rồi mới thực hiện trên toàn địa bàn thành phố.
Trong đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM chia quá trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2024 - 2025, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí. Chủ sở hữu xe xăng cần chuyển đổi phải nằm trong danh sách hộ nghèo hoặc cận nghèo của huyện Cần Giờ. Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký và cấp biển số, đồng thời duy trì lãi suất vay ưu đãi còn 4%/năm cho trường hợp mua xe máy điện trả góp.
Giai đoạn 2026 - 2027, phấn đấu mỗi gia đình chuyển đổi 1 xe máy điện. Thành phố sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký, cấp biển số, lãi suất vay như giai đoạn 2024 - 2025.
Giai đoạn 2028 - 2030, mục tiêu đến thời điểm này là toàn bộ cá nhân, hộ gia đình ở huyện Cần Giờ sẽ sử dụng xe máy điện. Các chính sách hỗ trợ chuyển xe xăng sang xe điện vẫn được tiếp tục duy trì.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đề xuất hỗ trợ thu mua xe cũ khi người dân đổi từ xe xăng sang xe điện. Cụ thể, xe máy xăng sử dụng được 1 - 5 năm khi đổi sẽ nhận được 5 triệu đồng. Mức hỗ trợ này sẽ giảm dần từ 4 triệu đồng đến 500.000 đồng cho xe đã sử dụng từ 5 năm đến trên 20 năm.
Huyện Cần Giờ hiện có hơn 34.500 xe máy xăng cần chuyển đổi. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện thí điểm tại Cần Giờ là hơn 250 tỉ đồng. TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, 20-30% người dân và 30-50% khách du lịch đến Cần Giờ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. 100% phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện và 50-70% xe máy điện được sử dụng trên địa bàn.
Huyện đảo Cần Giờ cách trung tâm thành phố khoảng 50km về phía Đông Nam. Huyện đảo có diện tích 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích TP. HCM với gần 80.000 dân. Đây là địa phương duy nhất của TP. HCM giáp biển, có rừng phòng hộ và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Huyện đảo này còn giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.
Theo Nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ, TP.HCM đặt kế hoạch đến năm 2030, ngành dịch vụ chiếm gần 75% tổng giá trị sản xuất địa phương; toàn bộ đường đô thị được chiếu sáng; tất cả phương tiện giao thông công cộng dùng năng lượng sạch, 100% rác thải được xử lý. Mục tiêu xây dựng và phát triển Cần Giờ thành thành phố biển đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-thi-diem-ho-tro-doi-xe-xang-sang-xe-dien-cho-nguoi-dan-1531.html