Bất chấp các lệnh cấm, các Bigtech Trung Quốc vẫn tiếp cận được công nghệ tiên tiến của Mỹ

Theo Reuters, các công ty Trung Quốc bao gồm Huawei và SMIC đã thành công tiếp cận các công nghệ của Mỹ để sản xuất chip tiên tiến tại nước này vào năm 2023. Thông tin gây nhiều ngạc nhiên bởi trước đó, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận các nền tảng công nghệ sản xuất chip hiện đại.

Theo đó, Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải SMIC (Semiconductor Manufacturing Intenational Corp) đã sử dụng công nghệ từ ứng dụng vật liệu Inc của California (Mỹ) và LAM Research Corp để phát triển chip 7 nanomet (Nm) tiên tiến cho Huawei vào năm ngoái. SMIC cũng đã mua được máy móc của Mỹ trước thời điểm áp dụng các lệnh cấm vào tháng 10/2022.

huawei-1709891887.jpg
Huawei vẫn tiếp cận được các công nghệ và nguồn chip tiên tiến để sản xuất các thiết bị mới của mình, bất chấp các lệnh hạn chế từ phía Mỹ thời gian qua.

Trong bối cảnh chạy đua công nghệ và AI toàn cầu, những căng thẳng của Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác liên quan đến nguồn cung bán dẫn trở nên sâu sắc hơn. Theo Reuters, Mỹ đã vạch ra một lộ trình chậm rãi nhằm hạn chế việc các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn chip tiên tiến này. Đặc biệt áp dụng với các Bigtech Trung Quốc như Huawei và SMIC.

Huawei đã bị liệt vào danh sách hạn chế thương mại từ năm 2019 vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt. Đến lượt SMIC cũng bị thêm vào danh sách tương tự trong năm 2020 vì bị cáo buộc có liên quan tới tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc. Cả 2 công ty đều phủ nhận các cáo buộc kể trên.

Không chỉ Mỹ, nhiều đồng minh của Mỹ bao gồm Hà Lan và Nhật Bản cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc từ đầu năm 2023. Thỏa thuận giữa 3 nước này đã mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10/2022 đối với các công ty có trụ sở tại hai quốc gia đồng minh này, bao gồm công ty ASML Holding NV, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd. Ngay sau thỏa thuận kể trên được thông qua, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích các hành động này. Trong tuyên bố ngày 29/5/2023, đại diện Trung Quốc đã kêu gọi Nhật Bản ngừng hạn chế xuất khẩu chip, gọi đó là "hành động sai trái" và "vi phạm nghiêm trọng" các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. Đối với việc cấm công ty chip ASML bán máy quang khắc DUV cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Lan tôn trọng nguyên tắc thị trường, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng: "Chúng tôi kêu gọi Hà Lan thể hiện tính công minh, tôn trọng nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện những hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và doanh nghiệp, cũng như duy trì ổn định chuỗi cung ứng quốc tế".

Bất chấp những hạn chế của Mỹ và các quốc gia kể trên, Huawei trong năm ngoái cũng đã thành công giới thiệu điện thoại 5G Mate 60 Pro, sử dụng công nghệ chip tân tiến nhất như một lời khẳng định vững vàng về việc làm chủ công nghệ của Trung Quốc.

huawei-mate-60-1709892115.jpg
Huawei Mate 60 Pro sử dụng công nghệ chip tiên tiến hàng đầu thế giới, gây sự ngạc nhiên đối với giới công nghệ toàn cầu trong bối cảnh bị siết chặt nguồn cung bán dẫn.

Cũng theo Reuters, chính phủ Mỹ gần đây cũng đang tiếp tục có những động thái mạnh mẽ nhằm ngừng vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn đến Trung Quốc.
 

Minh Châu

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bat-chap-cac-lenh-cam-huawei-smic-van-tiep-can-duoc-may-moc-cua-my-de-san-xuat-chip-tien-tien-1560.html