Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải học online tại nhà qua điện thoại và máy tính. Đến thời điểm hiện tại, dù đại dịch đã được khống chế, trẻ trở lại trường học bình thường nhưng tình trạng cho trẻ học online vẫn diễn ra tại nhiều gia đình.
Có phụ huynh chọn cho con tham gia các khóa học ngoại ngữ bằng phần mềm học online. Có phụ huynh chọn được chỗ học thêm uy tín cho con nhưng lại ở xa, không tiện đưa đón thì cũng đăng ký để con học online tại nhà… Những hình thức học trên đều phải dùng đến điện thoại và máy tính.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh không hề lưu tâm rằng, khi con phải ngồi học bên những thiết bị điện tử này sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ. Mới đây nhất, ngày 6/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.G.P (13 tuổi, Hải Dương) trong tình trạng hôn mê, thở máy, toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào. Gia đình cho biết, bé P. vừa sạc pin laptop vừa học bài thì chiếc máy tính bất ngờ phát nổ.
Trước đó cũng đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra: Vào tháng 10/2020, một chiếc laptop bất ngờ phát nổ khiến 3 học sinh đang học bài bị thương, một trong số đó bị nát bàn tay vì vụ nổ. Hay vào tháng 10/2021, một học sinh lớp 5 tại Nghệ An tử vong khi vừa cắm sạc vừa sử dụng điện thoại thông minh.
Dù không thường xuyên xảy ra nhưng các thiết bị di động như smartphone, laptop, máy tính bảng… phát nổ là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các thiết bị điện tử này thường đặt gần người dùng hoặc cầm trên tay để sử dụng nên khi chúng phát nổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
So với smartphone, các vụ nổ laptop có sức công phá lớn hơn rất nhiều do laptop được trang bị pin dung lượng lớn hơn smartphone. Có nhiều nguyên nhân khiến laptop có thể phát nổ nhưng chủ yếu đều bắt nguồn từ pin. Các thiết bị di động ngày nay như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sạc dự phòng hay laptop đều sử dụng công nghệ pin lithium-ion. Lithium là một chất dễ cháy và có thể nổ khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt là nước.
Pin xuống cấp khi sử dụng lâu ngày hoặc xảy ra sự cố rơi, vỡ… từ đó có thể khiến phần vỏ pin bị hỏng dẫn đến tiếp xúc với không khí rồi gây ra tình trạng phát nổ. Một nguyên nhân phổ biến khác có thể khiến pin bốc cháy hoặc phát nổ là do nhiệt độ cao. Tình trạng này xảy ra khi vừa sạc vừa sử dụng hoặc dùng liên tục trong thời gian dài.
So với điện thoại thông minh, người dùng laptop thường có thói quen vừa sử dụng vừa cắm sạc thiết bị liên tục. Điều này có thể khiến pin trên sản phẩm mau bị xuống cấp hơn do nhiệt độ cao. Trong trường hợp pin laptop bị xuống cấp và bị phồng, nguy cơ dẫn đến cháy, nổ thiết bị trong lúc sử dụng là rất cao.
Từ những tiềm ẩn nguy hiểm trên, nếu không thực sự cần thiết thì tốt nhất không nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Nếu phụ huynh muốn con học online trên các thiết bị này thì cần thiết sạc đầy pin trước giờ học của con để tránh tình trạng vừa dùng vừa sạc.
Nếu pin trên các thiết bị di động đã bị "chai", phụ huynh nên chủ động mang thiết bị đến các cửa hàng điện tử có uy tín để thay pin mới, tránh tình trạng pin bị phồng, dẫn đến nguy cơ phát nổ khi sử dụng hoặc sạc. Lưu ý, cần phải thay pin chính hãng và rõ nguồn gốc để đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, do kinh tế gia đình hạn chế, nhiều gia đình để con học trên những chiếc máy tính cũ đã chai pin. Trong trường hợp này, phụ huynh cần phải lập tức thay pin hoặc nhờ các cửa hàng tháo bỏ viên pin trên sản phẩm và chuyển sang sử dụng hoàn toàn từ nguồn điện.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tu-vu-be-trai-bi-thuong-nang-do-laptop-no-co-nhat-thiet-phai-cho-con-hoc-tren-thiet-bi-dien-tu-1604.html