Những thay đổi mới với App Store có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu của “Nhà Táo”. Bởi lẽ, với một ứng dụng bất kỳ gia nhập chợ ảo này, mức phí nhà phát triển được Apple tính tới 30%. Đây là một trong những nguồn thu khổng lồ của Apple trong suốt nhiều năm qua, bên cạnh mảng kinh doanh phát triển iPhone.
Theo báo cáo tài chính quý I năm tài chính 2024, kết thúc vào ngày 30/12/2023 mới được Apple công bố hồi đầu tháng 2 cho thấy, doanh thu của hãng đạt mức 119,6 tỷ USD, iPhone là sản phẩm mang lại doanh thu nhất cho “Táo Khuyết” với 58%, iPad 6%. Nguồn doanh thu lớn thứ hai đến từ các dịch vụ của Apple bao gồm App Store và Apple TV+… (Chiếm tới 19%). Năm ngoái, Apple cũng mang về hơn 85 tỷ USD doanh thu dịch vụ - chiếm 22% tổng doanh thu, điều đó cho thấy vai trò của App Store quan trọng đến mức nào đối với công ty.
Đây không phải là sự thay đổi duy nhất của Apple với App Store trong thời gian qua. Trước đó, vào tháng 1/2024, một phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ cũng đã buộc Apple phải thay đổi chính sách với chợ ứng dụng của mình, cho phép các nền tảng thanh toán bên thứ 3 có thể tham gia. Tuy nhiên, mức “phế” mới mà Apple áp cho các nhà phát triển vẫn ở mức 27%, đồng thời cho biết họ có quyền kiểm tra các nhà phát triển xem giao dịch có được hoàn thành hay không. Tỷ lệ "cắt phế" quá cao của App Store luôn là sự bức xúc của các nhà phát triển ứng dụng. Họ cho rằng, với tỷ lệ này, khó có thể cung cấp đến tay người tiêu dùng những sản phẩm có giá rẻ hơn. Việc nhượng bộ khiên cưỡng của Apple tại Mỹ được xem là một cách lách luật tinh vi, tuy nhiên ở thị trường châu Âu, điều này khó có thể thực hiện khi các quy định đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Theo đó, ngay sau khi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU có hiệu lực, các nhà phát triển phần mềm đã có thể phân phối ứng dụng cho khách hàng trong khu vực trực tiếp từ trang web của chính họ thay vì phải thông qua App Store như trước. Điều này hiện vẫn mới chỉ được áp dụng tại châu Âu.
“Mặc dù App Store sẽ không thể được khai thác một cách tự do, nhưng nó vẫn có khả năng là "gà đẻ trứng vàng" cho Apple vì vẫn còn nhiều ràng buộc với các nhà phát triển cũ”, Susannah Streeter – Người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường của Hargreaves Lansdown – một công ty dịch vụ tài chính của Anh có trụ sở tại Bristol cho biết.
Mặc dù có quyền phân phối các ứng dụng trên website của mình, các nhà phát triển vẫn phải đáp ứng các điều khoản và điều kiện do Apple đặt ra, bao gồm việc phải là nhà phát triển được ủy quyền. Apple cũng đã đưa ra “phí công nghệ cốt lõi” là 50 xu euro cho mỗi tài khoản người dùng mỗi năm, ngay cả khi các nhà phát triển không sử dụng App Store hoặc hệ thống thanh toán của Apple.
Đạo luật của Châu Âu đặt mục tiêu kiềm chế những “người gác cổng” như Apple, Amazon, ByteDance, Meta, Alpharbet và Microsoft nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các đối thủ nhỏ hơn, từ đó mang lại sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường số ở châu Âu.
Apple cho biết: “Để phản ánh những thay đổi của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, người dùng ở EU có thể cài đặt ứng dụng từ các chợ ứng dụng thay thế trong iOS 17.4 trở lên. Người dùng sẽ có thể tải xuống ứng dụng từ trang web của nhà phát triển”. Điều này có nghĩa với những thiết bị cũ, sử dụng các phiên bản hệ điều hành đã lỗi thời sẽ không khả dụng với những thay đổi mới.
Những thay đổi khác đối với Apple bao gồm việc cho phép các nhà phát triển thiết lập chợ ứng dụng riêng mình, tương thích trên các thiết bị iPhone, iPad. Nhà phát triển cũng có thể thiết kế các chương trình khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi khác trong ứng dụng khi hướng dẫn người dùng hoàn tất giao dịch trên website cả mình thay vì chỉ sử dụng phương thức thanh toán của Apple như trước kia.
Việc mở cửa hệ sinh thái của Apple ở châu Âu đã đang phá vỡ bức tường kiên cố và làm rạn nứt nguồn thu nhập khổng lồ của công ty, diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm với gã khổng lồ công nghệ khi doanh thu iPhone liên tục sụt giảm qua các năm.
Cũng trong tháng 1/2024, Microsoft đã soán ngôi Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Dưới áp lực từ các cơ quan quản lý, tuần trước Apple đã phải lùi một bước trong mối hiềm khích với Epic Games. Sau khi khóa tài khoản của nhà cung cấp này, “Táo Khuyết” đã phải muối mặt cho phép hãng đưa cửa hàng trò chơi của riêng mình lên iPhone và iPad ở châu Âu.
Nếu không thực hiện các quy định của Đạo luật, Apple có thể bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu. Apple cũng cho biết sẽ kháng cáo khoản tiền phạt chống độc quyền của EU trị giá tới 1,84 tỷ euro (2,01 tỷ USD) được đưa ra vào tuần trước, có liên quan đến cáo buộc của Spotifi và các đối thủ phát nhạc trực tuyến khác…
Liên quan đến những nỗ lực phát triển công nghệ, Apple vẫn đang bị đánh giá là chậm trễ trong việc tung ra các sản phẩm AI mới. Mặc dù vậy, tham vọng "vũ trụ ảo" với kính thực tế ảo Vision Pro được kỳ vọng sẽ vực dậy đáng kể doanh thu của công ty trong thời gian tới.
Minh Châu
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/apple-dang-tung-buoc-thoa-hiep-sau-nhung-no-luc-bao-ve-su-doc-quyen-cua-app-store-1680.html