Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam vừa đưa ra phân tích về dòng vốn từ người Việt ở nước ngoài "rót" vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông Troy Griffiths, Khoản 3 và khoản 6 điều 4 Luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025) đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt định cư ở nước ngoài. Trước đó, người Việt ở nước ngoài muốn sở hữu bất động sản tại quê hương phải thông qua người thân hoặc họ hàng đứng tên hộ, vì thế dẫn đến một số tranh chấp không đáng có.
Quy định mới sẽ giải quyết vấn đề trên, tạo điều kiện thuận lợi hơn và giảm thiểu rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, đây sẽ là thay đổi mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho Việt kiều mua bất động sản và tạo tiềm năng lớn cho thị trường địa ốc.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, người Việt định cư ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn để sở hữu bất động sản trong nước. Cùng với đó, từ ngày 1/1/2025, người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, được phép nhập cảnh thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay, không chỉ Luật Đất đai (sửa đổi) mà Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) khi có hiệu lực sẽ tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Số liệu của Bộ Xây dựng đưa ra, hiện có khoảng 4 triệu người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam sẽ thu hút người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài. Đây cũng là cơ hội cho các chủ đầu tư địa ốc phát triển hằng năm.
Có kinh nghiệm hợp tác với nhiều người Việt ở nước ngoài, vị chuyên gia Savills cho biết, hầu hết khách hàng là người lớn tuổi. Họ đã di cư ra nước ngoài nhiều năm, sở hữu lượng tài sản nhất định và đều muốn gửi tiền về để mua đất, mua nhà. Mục đích không chỉ sở hữu mà đơn giản là có nơi để về. Đặc biệt, số lượng người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài rất đông. Đây sẽ là một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ cho bất động sản nước ta.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, tổng lượng kiều hối vào Việt Nam từ năm 1993 đến nay đạt hơn 190 tỷ USD. Trong năm 2023 đạt mức hơn 16 tỷ USD, tăng mạnh 32% so với năm 2022.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam đã nhận tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm qua, điều này trở thành “điểm sáng” của Việt Nam với việc duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. WB dự báo, kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD.
Nguồn vốn này rất quan trọng đối với Việt Nam. Hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động. Không ít nguồn tiền này đã được đổ vào các bất động sản. Theo một thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Tính toán nhanh con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.
Thiên Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phap-ly-noi-long-tao-co-hoi-hut-kieu-hoi-rot-vao-bat-dong-san-1787.html