Ứng dụng công nghệ nhiều hơn, người Việt đang thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Việc chuyển đổi sang các phương thức thanh toán hiện đại đang ngày càng được người Việt ưa chuộng. Trong năm 2023, có tới 56% người được khảo sát mang ít tiền mặt hơn so với năm trước. Cứ 5 người Việt thì có ít nhất 4 người sử dụng ví điện tử thường xuyên.

Thông tin được báo cáo trong nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023, được thực hiện bởi Công ty công nghệ thanh toán điện tử VISA.

Báo cáo khảo sát cho thấy, 56% người tiêu dùng khi được hỏi đều trả lời mang ít tiền mặt trong người hơn so với trước. Thay vào đó sử dụng các phương thức thanh toán online nhiều hơn. Trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhóm người tiêu dùng trẻ là Gen X, Gen Y chiếm vai trò quan trọng. Có tới 89% khách hàng thuộc nhóm này tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số cho các tiêu dùng hàng ngày của mình.

thanh-toan-khong-tien-mat-1710926188.png
Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng với người tiêu dùng Việt.

Thời gian trung bình không sử dụng tiền mặt của mỗi người cũng đã tăng lên tới 11 ngày trong năm 2023, cao hơn nhiều so với con số 3 ngày của năm 2022.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng nhất là quét mã QR và ví điện tử. Lĩnh vực được áp dụng nhiều nhất là thực phẩm, ăn uống, bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Trong đó, thanh toán qua mã QR đang chiếm tới 62%, trung bình mỗi người thực hiện khoảng 16,2 giao dịch quét mã mỗi tháng. Ví điện tử cũng được ưa chuộng với 58% người khảo sát khẳng định quen dùng, mỗi người sử dụng trung bình 15,5 giao dịch mỗi tháng.

thanh-toan-khong-tien-mat-1710926275.jpeg
Quét mã QR để thanh toán các giao dịch mua sắm, ăn uống... được các Gen X, Gen Y đặc biệt ưa chuộng.

Đáng lưu ý, báo cáo cũng ghi nhận việc nhiều đơn vị bán lẻ đang áp dụng các công nghệ AI để mang lại trải nghiệm mua sắm hữu ích, tiết kiệm cho khách hàng mà vẫn gia tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

Theo VISA, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang định hình lại nền kinh tế Việt Nam. Xu hướng này cũng đang mở ra bước tiến quan trọng trong sự chuyển đổi của ngành tài chính, ngân hàng. Hiện, Việt Nam đang nằm trong top những thị trường Đông Nam Á mà người dân đón nhận tốt các ứng dụng ví điện tử trong thanh toán hàng ngày. Cứ 5 người lớn thì có ít nhất 4 người sử dụng ví điện tử thường xuyên, phần lớn là người dùng thuộc thế hệ GenX và nhóm tiêu dùng hạng sang.

Một xu hướng mới cũng đang được ghi nhận có sự tăng trưởng tốt là mua trước trả sau (Buy now pay late – BNPL). Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng phương thức này nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt. Sự hợp tác chiến lược giữa VISA với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã đem đến giải pháp trả góp VISA (VISA Instalment Solutions), giúp người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch nhanh chóng, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện tài chính cá nhân.

Thẻ tín dụng cũng đang là một trong những lựa chọn hàng đầu cho thanh toán BNPL khi thường xuyên có các chương trình ưu đãi, mã giảm giá miễn phí, tích điểm thưởng và khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng.

“Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang mang đến vô vàn tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hướng tới tương lai giao dịch kỹ thuật số tiện lợi và an toàn cho cộng đồng, VISA sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong hành trình chuyển đổi số đầy sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”, đại diện VISA cho biết.

Theo các số liệu mới nhất, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của các cá nhân trong nước đang ở khoảng hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị.

Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 6,02% về số lượng và tăng 54,42% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51,0% về số lượng và 34,96% về giá trị. Đến cuối tháng 01/2024, thị trường có 20.986 ATM giảm 1,70% so với cùng kỳ năm 2023, có 554.580 POS - tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023.

Những số liệu kể trên càng khẳng định cho xu hướng phát triển chuyển đổi sổ nền kinh tế, đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng chủ đạo tại Việt Nam thời gian tới.

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ung-dung-cong-nghe-nhieu-hon-nguoi-viet-dang-thay-doi-thoi-quen-dung-tien-mat-1900.html