Từ ngày 1/7, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng. Điều này đồng nghĩa số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp cũng tăng theo.
Mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc được áp dụng từ năm 2020. Sau gần 4 năm, giá cả thực tế đã tăng cao trong khi thu nhập lại giảm nên nhiều người làm công ăn lương tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù đang đóng thuế TNCN nhưng lại càng phải thắt lưng buộc bụng. Nhiều gia đình phải chắt bóp chi tiêu dù họ vẫn đang thuộc nhóm phải đóng thuế TNCN. Mức 4,4 triệu không thể đủ chi tiêu cho 1 người.
Ngoài mức giảm trừ gia cảnh, hàng loạt quy định khác cũng đã quá lạc hậu. Chẳng hạn, người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng phải đóng thuế... trong khi mức này là thấp hơn cả hộ nghèo mà Chính phủ quy định.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế, Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu. Mới nhất, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức GTGT cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, vừa qua đã có nhiều cơ quan báo chí nêu mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao. Với những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ thì thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.
Quy định đã lỗi thời
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh.
Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song rõ ràng khi áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề. Trong thực tế, một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013-2020 đã tăng 2-3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15-17% thì theo luật sẽ chưa được điều chỉnh. Nếu mức lạm phát đó kéo dài tới hàng chục năm, thì người tiêu dùng, hộ gia đình sẽ bị thiệt.
Nêu quan điểm về vấn đề này với báo chí, TS Nguyễn Ngọc Tú - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, Giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá, quy định về thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là giảm trừ gia cảnh hiện nay là bất hợp lý và lỗi thời. Quy định về thuế vốn là quy định nhân văn, nhưng mức áp dụng đang tạo sự bất bình đẳng với người lao động, nhất là lao động tri thức.
Đối với người dân sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... mức thu nhập gần như không đủ sống. “Ngoài chi phí sinh hoạt, chi phí thuê nhà rất lớn, người ra trường có lương từ 11-12 triệu đồng, thuê nhà rẻ cũng mất 5-7 triệu đồng. Thêm vào đó, nếu nuôi 2 đứa con, nhu cầu học hành rất lớn" - TS Nguyễn Ngọc Tú cho hay.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT nhận định, việc mới chỉ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương.
Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Rõ ràng, càng kéo dài thời điểm sửa luật thuế TNCN thì sẽ càng kéo dài bất cập này. Do đó, ông cho rằng Chính phủ có thể xem xét áp dụng sớm các chính sách kèm theo, như miễn giảm thuế TNCN khi tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng để bảo đảm thu nhập thực tế của người làm công ăn lương không bị suy giảm.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-da-loi-thoi-chan-chu-toi-2026-la-qua-cham-2028.html