Ngay từ đầu tháng 3 năm 2024, thời tiết ở TP. HCM đã nắng nóng gay gắt và gần như chưa có trận mưa nào. Những ngày gần đây, dù đã cuối tháng nhưng nắng nóng không có dấu hiệu dịu bớt mà càng gay gắt hơn, khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người lao động ngoài trời, phải đi lại, di chuyển nhiều trên đường. Vì cuộc sống mưu sinh, mọi người vẫn phải tìm đủ mọi cách “đối phó” với nắng nắng để tiếp tục làm công việc của mình.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thuỷ Văn khu vực Nam Bộ, trong những ngày tới, thời tiết tại TP. HCM sẽ vẫn dao động từ 35-380C.
Theo ghi nhận của phóng viên Đô Thị Mới, trong những ngày này, đa số người tại TP. HCM khi ra đường đều đeo khẩu trang, trùm mũ bịt kín đầu để chống lại nắng nóng. Còn những người làm việc ngoài đường như xe ôm, grab…lại tìm bóng mát để tranh thủ nghỉ ngơi.
Anh Lê Văn Việt (26 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) đang đứng mua nước ở đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú Cho biết: “Mấy hôm nay nắng quá nên uống nước thường xuyên. Trên xe lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn nước. Để đang chở khách không may khát quá có cái mà uống”.
Bà Liên, một người bán nước lâu năm ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) chia sẻ, những ngày này bà bán được nhiều hẳn so với thời điểm khác. Theo bà Liên, năm nào đến tháng 3 là ở TP. HCM cũng nắng nóng, nhưng bà chưa thấy năm nào nắng gay gắt như năm nay. Gia đình bà có căn nhà gác lửng, nhưng ban ngày cả nhà ở dưới, còn tối đến khi thời tiết dịu bớt rồi mới dám lên gác.
Nắm được nhu cầu của khách hàng, thời điểm này, nhiều cửa hàng, siêu thị bán điện dân dụng cũng tung chiêu giám giá các sản phẩm như máy lạnh, máy quạt hơi nước…để bán hàng. Ngoài ra, các điểm bán váy, áo chống nắng cũng “mọc” ra nhiều hơn.
Cách phòng tránh sốc nhiệt, say nắng
Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp người lao động ngoài trời, người phải di chuyển nhiều trên đường bị sốc nhiệt do phải ở chịu đựng thời tiết nắng nóng gay gắt trong thời gian dài, dẫn đến những hệ quả đau lòng.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, dấu hiệu đầu tiên của sốc nhiệt là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.
Người lao động cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…
Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải ở lâu ở ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.
Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng. Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. Cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch…
Xuân Thủy
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-dan-thanh-pho-ho-chi-minh-va-muon-kieu-doi-pho-voi-dot-nang-nong-ky-luc-2029.html